Tử Vong Tuần Hoàn

Chương 20: Câu Chuyện Thứ Tư (3)





  Cụ bà cười:

- Thư sinh uống say rồi, xin hãy nhìn kỹ lại xem.

Đằng Tử Lý dụi mắt, quả nhiên trên rậu không phải đậu đỗ mà chỉ có cây leo chằng chịt mượt như nhung.

Không lâu sau thấy mẹ của Liễu Nhi là Vương Thị vẻ mặt rạng rỡ ra ngoài nghênh đón, còn nói với Đằng Tử Lý:

- Đã hơn một năm không gặp, vậy mà tiều tụy đến mức này rồi sao.

Đằng Tử Lý khóc mà kể lể sự tình.

Vương Thị nghe xong nói:

- Lệnh tôn (cách xưng hô tỏ ý kính trọng) đường đường là con nhà phú quý phù hoa vậy mà lại có lòng với con gái tôi như vậy. Tôi biết cậu thật lòng thật dạ, có ý dẫn người mai mối tới đây nói chuyện. Nếu có thể thành đôi thành lứa đương nhiên là rất tốt, nhưng vẫn mong lệnh tôn thành ý cầu hôn.

Đằng Tử Lý ân cần đa tạ, cụ bà đi theo cũng nói giúp được vài lời.

Vương Thị trầm ngâm hồi lâu mới nói tiếp:

- Thiếu gia cậu nếu thật lòng muốn thành hôn với con gái tôi, vậy việc không thể chần trừ.

Đằng Tử Lý chỉ cầu được thành hôn với Liễu Nhi, nào còn để tâm tới điều gì nữa, vội đồng ý ngay.

Vậy là đi quét dọn các phòng, sửa sang giường chiếu chăn gối, cụ bà còn giúp Liễu Nhi sửa soạn trang điểm, cùng Đằng Tử Lý bái đường, làm lễ thành hôn.

Đằng Tử Lý ngắm nhìn Liễu Nhi như lâu ngày mới được trông thấy mặt trời, đôi bên tình tứ nhìn nhau lòng vui phơi phới, bèn hỏi Liễu Nhi sao lại ở nơi này?

Liễu Nhi đáp:

- Thiếp ra ngoài thôn mua vải, được một lão bà họ Du dẫn về, không ngờ mẫu thân thiếp cũng đã ở đây, vậy là bèn trú tạm ở đây một thời gian. Thiếp hỏi lão bà mới biết, nơi này gọi là Du Thị Trang Viên.

Cứ như vậy hơn một tháng trôi qua, Đằng Tử Lý và Liễu Nhi quấn quýt nhau như hình với bóng, bỗng một ngày Đằng Tử Lý chợt nhớ ra, chuyện đại sự này đã định, phải trở về nhà nói cho cha mẹ yên lòng, nếu cứ ở mãi đây cũng phải kế lâu dài.

Thế là chàng tìm Liễu Nhi nói cho nàng biết ý định, nhưng tâm ý Liễu Nhi vẫn chần chừ do dự.

Đằng Tử Lý nghĩ bụng, nơi này cũng không cách nhà mình bao xa, đi rồi quay lại, hà tất phải do dự như vậy. Bèn tự ý rời khỏi, lạ thay vừa đi được hơn trăm bước, quay đầu lại đã không trông thấy mấy căn nhà tranh đó đâu.

Chỉ thấy một ngôi mộ lớn, xung quanh là cỏ dại. Đằng Tử Lý kinh ngạc vội tìm đường về nhà.

Sau khi về nhà, cha mẹ Đằng Tử Lý vì chuyện con trai mất tích nhiều ngày mà khóc lóc rất thảm thiết, nước mắt vẫn còn chưa khô, trực trông thấy Đằng Tử Lý trở về thì vui sướng vội hỏi duyên cớ.

Đằng Tử Lý bèn đem hết sự tình đã trải qua kể cho cha mẹ, nghe xong thì cho rằng đã gặp yêu quái, Đằng Tử Lý cũng cảm thấy hoảng sợ không yên.

Nửa tháng nữa lại trôi qua, Đằng Vinh lo Đằng Tử Lý lại gặp phải chuyện không hay, vậy là đồng ý tìm người họ Chu thân thiết làm người mai mối tới nhà Vương gia cầu hôn.

Vẫn chưa kịp viết thư, vừa hay người họ Chu đã đích thân tới chơi, Đằng Vinh đem kể chuyện này, có ý nhờ người họ Chu giúp đỡ hôn sự.

Người họ Chu bèn kể:

- Từ sau khi mọi người hoàn hương về trở về nhà cũ, cô nương Liễu Nhi cũng ủ bệnh trong người, theo tôi đoán hình như là vì nhung nhớ Đằng Tử Lý mà sinh bệnh. Sau khi khỏi bệnh thì ra khỏi thôn mua gạo, bỗng nhiên mất tích, đã tìm vài bận mà không thấy tăm hơi.

Một thời gian sau lại thấy tự tìm đường về nhà, mọi người hỏi han thì kể, lúc ra ngoài thôn mua gạo, đã gặp một lão bà tự xưng họ Du, đoạn bà ta mời về một căn nhà, rồi trông thấy mẫu thân mình là Vương Thị cũng đã ở trong căn nhà ấy.

Hôm ấy, cũng chính là cụ bà họ Du đưa Đằng Tử Lý về nhà, rồi cho sống ở đó hơn một tháng.

Hôm Đằng Tử Lý bỏ ra ngoài không thấy về, Vương Thị để Liễu Nhi và bà lão họ Du đi về trước, còn mình theo sau.

Lão bà họ Du và Liễu Nhi đi cùng nhau, gần về tới thôn cũ thì lão bà để Liễu Nhi tự về nhà một mình, bảo rằng còn có việc khác, hôm khác sẽ tới thăm sau.

Liễu Nhi muốn hỏi cho rõ, thì chỉ trông thấy cát bay mù mịt, lão bà họ Du đã như cơn gió bay đi trong chớp nhoáng. Đoạn liếc mắt nhìn cảnh vật xung quanh, lại chính là con đường đi qua hôm ra ngoài mua gạo.

Về tới nơi thì thấy Vương Thị đã ngồi đợi ở nhà, từ sau khi Liễu Nhi mất tích thì không ra khỏi cửa lấy một bước.

Liễu Nhi kể lể sự tình, mọi người trong nhà rất lấy làm kinh ngạc. Lúc này mới rõ, người mà Liễu Nhi gặp không phải mẹ mình mà là yêu quái. Vợ chồng Vương Thị bàng hoàng sợ hãi, không còn cách nào khác, chỉ muốn gả con gái đi lấy chồng. Mà nhân phẩm như Đằng Tử Lý thì được mấy người.

Còn về vợ chồng Đằng Vinh, sau khi nghe được chuyện hỷ thì vui mừng lắm, chuẩn bị hết thảy sính lễ, chọn ngày đẹp để tổ chức hôn lễ.

Chuyện này được mọi người truyền tai nhau, đến ngày thành thân đã có rất nhiều người lạ tới tặng lễ chúc mừng.

Sau ngày Đằng Tử Lý và Liễu Nhi thành thân, hai nhà cảm kích công ơn của cụ bà họ Du, nhưng lại không biết bà lão ở đâu để báo đáp.

Một ngày kia, Đằng Vinh say rượu trở về nhà, sắc trời đã chuyển về tối, giữa đường thì gặp một bà lão, rồi Đằng Vinh theo chân bà cụ về nhà nghỉ qua đêm.

Ngôi nhà rộng rãi, ở giữa còn kê một cái sạp để mời khách. Ngủ đến khi trời tang tảng sáng, bà lão bèn giục Đằng Vinh trở dậy để về nhà.

- Gà trống đã gáy, mời khách quan về sớm cho, không thể ở lại nơi này quá lâu.

Tiễn ra ngoài cửa, Đằng Vinh muốn cảm tạ bèn gặng hỏi quý tính.

Bà lão nói:

- Thân già này họ Hồ, ở nhờ nhà của Du Thị, nay được quen biết lệnh tôn, có một bức tranh chân dung muốn tặng cho ngài

Đoạn còn nói thêm:

- Giấc mộng đẹp trên thuyền, lương duyên trong động, đều là ta ban.

Đằng Vinh nhìn vào bức tranh, chính là chân dung của cụ bà.

Đi được mấy bước, quay đầu nhìn lại thì người và nhà đã không thấy đâu, chỉ thấy một nấm mộ rất lớn, trước bia mộ thấy có ghi Du Thị.

Lúc này mới vỡ lẽ, cụ bà họ Du chính là tiên cô trong mộ của Du Thị.

Sau khi về nhà, cha con Đằng Vinh bỏ tiền để sửa sang ngôi mộ, chăm lo hương hỏa, sau đó thì không còn gặp cụ bà họ Du nữa. Bức tranh bà lão ban tặng thì được truyền lại hết đời này sang đời khác cho đến tận bây giờ.

................................................ ................................................ .......

Đằng Minh Nguyệt nói:

- Nhân tình ngàn dặm kết duyên tơ hồng.

A Hào đang nhập tâm lắng nghe, cảm khái nói:

- Nếu trên thế gian có nhiều tiên nhân như bà lão họ Du, thì có lẽ đã không còn phải nghe những tiếng than thở của những đôi lứa yêu nhau. So với lão bà bà này thì lão nhi tôi thật là vô dụng bất tài.

Xú Ngư cũng nói chen vào:

- Có dịp tôi nhất định phải đến thắp hương cho bà lão họ Du mới được, phải thành tâm khấn vái trước vong linh cụ, như vậy còn có cơ may được lão bà giới thiệu cho một Hạnh Nhi Đào Nhi nào đó.

Xưa nay tôi vốn chẳng hứng thú gì với mấy câu chuyện tài tử giai nhân, thầm nghĩ bụng:

- Đám tặc nam miêu nữ này, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện yêu đương nam nữ, nếu ai cũng như các người thì xã hội này tiến bộ thế nào được, rồi phát triển ra sao? Nhất là Đằng Tử Lý – tổ tông của Đằng Minh Nguyệt, cũng có chút tiền đồ xuất chúng đấy, thế mà vừa trông thấy gái đẹp là đầu óc đã mê muội đắm đuối rồi.

Bỗng dưng nhớ tới Lục Nhã Lan đã ra ngoài lâu mà chưa thấy trở vào, giờ đã quá nửa đêm không biết có gặp phải chuyện gì hay không?

Thấy vậy, Đằng Minh Nguyệt ra chiều lo lắng, muốn chạy ra ngoài tìm cô bé.

Xú Ngư ưỡn ngực ra bộ dũng khí nói:

- Mấy việc này cứ để tôi, không tiện để phụ nữ "xuất mã", để tôi đi xem xem thế nào.

Dứt lời thì cầm lấy đèn pin đẩy cửa ra ngoài.

Chừng năm sáu phút sau, Xú Ngư mặt mày trắng bệch, thở hổn hển như trâu, từ ngoài cửa chạy xồng xộc vào nhà...

Tôi vội hỏi cậu ta đã tìm thấy Lục Nhã Lan chưa?

Xú Ngư đáp không thành tiếng:

- Chỉ....chỉ tìm thấy....một phần.....