Ta Là Pháo Hôi Ác Độc Trong Truyện Xuyên Thư

Chương 2: Đòi đồ cưới



Giao thánh chỉ vừa đọc xong, Văn Xương hầu và thái giám rời đi, bầu không khí nhà họ La mới khôi phục như cũ.

Lão thái thái được đỡ lên, bà vốn là một cáo mệnh*, đám nha hoàn nhanh nhẹn  dâng trà cho các chủ nhân. Sau khi rõ chuyện, vẻ mặt ai cũng giãn ra, tự tìm chỗ ngồi xuống. La Nhân Thọ và lão thái thái yên vị chính giữa, kế bên ông ta là Lưu thị, rồi lần lượt tới con cháu trong nhà.

(Cáo mệnh: chỉ phụ nữ được nhà vua phong tước)

La Thư Ngọc là công tử nhưng chẳng được La Nhân Thọ yêu thích bao nhiêu, thậm chí còn lạnh nhạt xa cách, thái độ của ông ta cũng ảnh hưởng tới tình cảm lão thái thái dành cho y.

Đời trước có lẽ La Thư Ngọc quá mức quan tâm tới tình thân nên không nhận ra. La Nhân Thọ luôn tìm cớ tránh mặt y, chỉ có thời điểm cần ông ta mới bày ra dáng vẻ cha hiền, vờ vịt hỏi han vài câu. Bây giờ ngẫm lại, hẳn là lợi dụng y để moi tin tức từ phủ tam hoàng tử.

Trước đó vài năm, La Thư Ngọc còn muốn gần gũi với La Nhân Thọ, bởi dù sao đi nữa đó cũng là cha ruột, là người duy nhất trên thế giới này mà y có thể dựa dẫm. Nhưng trải qua nhiều đổi thay, La Thư Ngọc quay lại mới nhận ra chẳng qua ông ta chỉ là một kẻ ti tiện thấy lợi ích mà quên đi nghĩa tình. Ông ta không hề có tình cảm với mẫu thân, cưới bà về chỉ vì lợi ích từ gia tộc bên ngoại. Năm ấy, ông ta mới chỉ tới chức quan lục phẩm nhỏ bé, vị trí có được hôm nay phần nhiều nhờ vào ảnh hưởng của thế lực bên ngoại, thế nhưng khi gia tộc mẫu thân y xảy ra chuyện thì ông ta lại tránh như tránh tà. Mấy năm nay La gia chưa bao giờ liên hệ với Trần gia, La Nhân Thọ thực sự vì lợi ích của mình mà qua cầu rút ván vô cùng thuần thục.

Nhìn những người mà y đã từng coi là ruột thịt, từng kẻ từng kẻ cứ như bồ tát lương thiện hiền lành, kỳ thực bụng đều chứa cả bồ dao găm, La Thư Ngọc cảm thấy thật đau lòng.

La Thư Ngọc còn nhớ rõ, khi y và tam hoàng tử bị giam trong ngục, La Nhân Thọ chưa bao giờ tới thăm dù chỉ một lần. Phải dùng khối ngọc bội mẫu thân để lại nhờ người tìm phụ thân xin ông ta cứu con trai y một mạng, thế nhưng, La Nhân Thọ chỉ vứt lại đúng câu nói: Sống chết có số, giàu sang nhờ trời, số mệnh cũng có lúc kết thúc, cho nên chớ cưỡng ép điều gì.

Một lời hai nghĩa, ông ta sẽ không cứu bất kỳ ai, vì tự bảo vệ mình mới quan trọng. Nhưng có lẽ ông ta cũng không cần phải làm thế, vì biết đâu kẻ trình lên chứng cứ bịa đặt kia chính là ông ta.

La Thư Ngọc vô cùng căm ghét vị phụ thân có tiếng “ấm áp, biết kính trên nhường dưới” này. Hiện giờ y đang nâng thánh chỉ trong tay nhưng tâm trạng không hề nặng nề. Đời trước y cảm thấy đạo thánh chỉ này như tước đi cuộc sống của mình, còn đời này nó sẽ là lá bùa cứu mạng, đảm bảo tương lai cho y.

Y đã quá tin tưởng vị phụ thân mặt người dạ thú này, chưa bao giờ hoài nghi ông ta không hề yêu thương mình, đúng là có mắt như mù.

Càng nghĩ càng thấy mình ngu xuẩn, phụ thân tình cờ bố thí cho y một chút tình cha con nên y cứ vậy mà tiết lộ tin tức ở phủ tam hoàng tử. Hiện giờ không thể không hoài nghi, tam hoàng tử cấu kết với địch là chuyện có liên quan tới ông ta.

Nghĩ tới đây, vừa vặn La Nhân Thọ quay sang nhìn La Thư Ngọc nở nụ cười hiền từ: “Thư Ngọc, bắt đầu từ hôm nay, con cứ ở trong viện chuẩn bị chờ gả thôi, việc khác không cần quan tâm, có cha thay con làm chủ.”

La Thư Ngọc nghĩ thầm, bản thân sao lại không nhận ra phụ thân đối với y rất lạnh lùng chứ, nếu có tình cha con thì sao lại chẳng quan tâm tới y như vậy, y sống ở La gia nhiều năm, là một vị công tử nhưng sinh hoạt còn không bằng tiểu công tử có chỗ dựa là di nương, đương nhiên càng không thể so với công tử của Lưu thị, muốn gì được nấy.

Chỉ hận mình quá mức ngu ngốc, kiên trì vun vén tình cha con, rõ là chuyện nực cười.

La Thư Ngọc nén nhịn cơn buồn nôn, thẳng thừng không nể mặt La Nhân Thọ: “Phụ thân, nếu muốn con gả cho tam hoàng tử thì không thể khiến hoàng tử mất mặt được, cái khác con không cần, con chỉ muốn kiểm lại đồ cưới của mẫu thân thôi, mong rằng phụ thân sẽ giao chìa khóa kho hàng cho con.”

Mẫu thân y năm đó mang theo đồ cưới đỏ rực dài tới mười dặm gả cho La Nhân Thọ, bà vốn là tiểu thư nhà quan dòng họ Trần ở kinh thành, một nữ tử tài giỏi mà đám thanh niên tuấn kiệt tranh nhau muốn rước. Sau đó Trần gia thất thế, không bao lâu mẫu thân bệnh nặng qua đời, từ đó không có ai nhắc tới chuyện đồ cưới nữa. Kiếp trước, y gả vào hoàng gia, chẳng biết La Nhân Thọ vô tình hay cố ý, cũng chưa bao giờ đề cập tới chuyện này. Một lần, trong bữa tiệc nào đó, trông thấy tứ đệ đã kết hôn khoác tấm áo choàng bằng lông chồn tím được người người khen ngợi, mười phần nổi bật, một phu nhân ngồi cạnh y đã nhắc tới mẫu thân, bà ấy kể năm đó mẫu thân cũng có một tấm áo choàng hệt như vậy. Khi đó y cũng thấy lạ, nhưng đáng tiếc đầu óc mơ hồ nên không đi tìm hiểu.

Lúc này, Lưu thị nghe tới hai chữ đồ cưới, tầm mắt tức khắc quét về phía La Nhân Thọ.

La Nhân Thọ hơi sững sờ, thầm giật mình, ông ta chẳng hiểu vì sao La Thư Ngọc bỗng nhắc tới đồ cưới của người vợ đã chết, sao tự nhiên nó lại nhớ tới chứ.

La Nhân Thọ tự thấy La Thư Ngọc chưa trải đời, rất dễ dụ dỗ lừa gạt, để ra vẻ yêu thương con trai mình, ông ta mỉm cười, tính giành quyền chủ động: “Đồ cưới của mẫu thân con tự nhiên là bảo quản tốt, nhưng sao chưa lấy chồng đã bắt đầu nhớ tới rồi, sau này con trở thành tam hoàng tử phi, nếu bị người nghe thấy lại nói ta không biết dạy dỗ, không phải ta vẫn thường xuyên nhắc nhở các con làm người nên biết phải trái, biết độ lượng bao dung à?”

La Thư Ngọc trải qua sống chết, cũng chẳng sợ La Nhân Thọ dùng đạo đức ép mình, y nhớ trong quyển sách, Thẩm Minh Vân gọi hành động này là “bắt cóc đạo đức”, đúng là chẳng sai chút nào, quả thực bốn chữ này được đo đếm tỉ mỉ nhân cách của La Nhân Thọ rồi sáng tạo ra.

La Nhân Thọ đã từng dạy dỗ y sao? La Thư Ngọc suýt phì cười mà bày ra vẻ khinh miệt.

Làm thượng thư đại nhân quanh năm trên triều, sao không biết tính cách của tam hoàng tử chứ, một người cha thấy con trai mình tiến vào đầm rồng hang hổ mà cười hiền lành, không lo lắng chút nào ư?

Ông ta muốn độ lượng bao dung tới mức nào? Lần nữa chắp tay dâng tính mạng mình lên à? Hay giúp họ làm nội gián trong phủ tam hoàng tử, làm tấm lót đường La gia cho tốt?

Đây chính là La Nhân Thọ, đời trước hay đời này vẫn thế, một kẻ đê tiện lợi dụng hai chữ “cha hiền”.

Bây giờ, với La Thư Ngọc mà nói, phủ tam hoàng tử không phải đầm rồng hang hổ mà là nơi tránh bão ngày sau. Việc đòi đồ cưới của mẫu thân chẳng qua là bước đi đầu tiên, y muốn sẵn sàng chuẩn bị, đời này y sẽ không dễ dàng chịu chết. Y sẽ thử thay đổi vận mệnh của mình, của Lý Minh Cẩn và cả đứa con trai bé bỏng.

“Phụ thân, biết rõ phải trái và độ lượng bao dung với việc con mang đồ cưới của mẫu thân vào phủ hoàng tử đâu có liên quan gì. Con nhớ khi còn sống, mẫu thân có nguyện vọng cho con được hưởng toàn bộ quyền thừa kế, bây giờ con sắp vào phủ tam hoàng tử, đồ cưới đó chính là bộ mặt La gia, sẽ không khiến hoàng gia khó coi. Nếu không làm tốt, chúng ta cũng đâu thể ngẩng mặt lên nhìn người, lỡ họ nói phụ thân ngài đối với việc thánh thượng chỉ hôn có ý kiến thì sao?” So với việc La Nhân Thọ chê y không mẫu mực để ép người, chi bằng trực tiếp lấy hoàng đế ép ông ta, bởi vô lễ với hoàng thượng mới khiến La Nhân Thọ để ý, gậy ông đập lưng ông.

La Thư Ngọc luôn luôn nghe lời, ngoan ngoãn, hầu như chưa từng phản kháng mình lúc này bỗng ương ngạnh khiến La Nhân Thọ mười phần không khỏe. Ông ta bày ra vẻ mặt hòa nhã, còn La Thư Ngọc từng câu từng chữ sắc bén đâm chọc, không biết trên dưới, nụ cười vờ vĩnh của ông ta nhạt dần.

La Nhân Thọ không biết kẻ nào đã xúi bẩy La Thư Ngọc nói ra những lời này, nhưng rõ ràng ông ta vẫn phải bận tâm bộ mặt của mình, thánh chỉ không thể làm trái, ông ta cũng không thể gánh vác thanh danh “cha không hiền”. Hiện giờ ông ta đành vỗ về La Thư Ngọc trước, sau đó điều tra xem rốt cuộc kẻ nào huyên thuyên vào tai nó, câu câu chữ chữ đều chỉ trích ông ta chiếm đoạt đồ cưới của người vợ đã chết vậy. Đứa con trai này từ trước đến giờ ông ta nói ba câu đều không dám cãi nửa lời, từ lúc nào mồm mép lanh lợi như thế.

Vì không để người lên án, La Nhân Thọ tạm thời bằng lòng: “Ta sẽ sai người kiểm kê đồ cưới, lúc đó sẽ giao cho con một danh sách, ngoài ra sẽ bổ sung thêm.”

Nếu hôm nay La Thư Ngọc không đề cập đương nhiên ông cũng chẳng nhắc tới, nhưng nếu đã nói thì ông ta không thể vô cớ mất mặt trước con cháu trong nhà được, toàn gia tộc đều đang ở đây. La Nhân Thọ nghi ngờ hay là La Thư Ngọc cố ý, điều này làm ông ta cực kỳ bức bối.

Dĩ nhiên La Thư Ngọc cố ý rồi, nếu lén lút tìm La Nhân Thọ thì chỉ trong dăm ba câu ông ta sẽ đuổi y đi ngay, hoặc từ chối thẳng thừng, thế cho nên y đòi trước mặt mọi người, ông ta muốn sĩ diện sẽ phải đáp ứng yêu cầu.

Khóe miệng Lưu thị giật giật, định nói gì đó, lão thái thái nãy giờ vẫn luôn hưởng thụ nha hoàn đang đấm bóp vai đột nhiên lên tiếng: “Thư Ngọc à, phải gả tới phủ hoàng tử cũng đừng phung phí, quá cứng rắn sẽ không được người yêu thích đâu, phụ thân lẽ nào lại nuốt đồ cưới của mẫu thân ngươi, ngươi nói vậy mà nghe được sao?” Bà ta lần từng viên phật châu, lời nói ra lại trái ý Phật, vô cùng chua ngoa, khác gì ám chỉ y đừng lấy đồ cưới của mẫu thân mà tiếp tục để Lưu thị tùy ý tiêu pha.

Lão thái thái là người không có học, cả đời bà chỉ quan tâm có hai thứ, một là đứa con trai có tương lai nhất – La Nhân Thọ, hai là tiền. Hôm nay đứa cháu lại làm con trai mất mặt, bà ta ít nhiều cũng nhớ thương đồ cưới của đứa con dâu đã chết, đương nhiên phải dạy bảo La Thư Ngọc vài câu.

Dựa vào cái gì phải dùng đồ cưới của mẫu thân nuôi những kẻ lòng lang dạ sói này chứ.

Đáy lòng thầm coi thường, La Thư Ngọc lạnh nhạt nói: “Lời tổ mẫu nói con xin ghi nhớ, nhưng cho tới giờ con vẫn chưa từng nghe phụ thân đề cập tới đồ cưới của mẫu thân cho nên mới nhắc nhở, cũng hi vọng ai đã lấy đồ thì nên đem trả lại.”

Y đã chết một lần, còn sợ người nhà họ La sao?

Lưu thị bị La Thư Ngọc ném đá giấu tay, muốn nói hai câu, nhưng lão thái thái không cho bà ta kịp lên tiếng: “Mau chuẩn bị đồ cưới cho tốt đi, đừng có làm chúng ta mất mặt.” Lời này là nói cho Lưu thị nghe, lão thái thái chẳng muốn dính líu tới chuyện này, bèn phất tay rời đi: “Được rồi, không còn chuyện gì thì ta đi trước.” Tâm trạng bà đang vốn rất vui vẻ, dù sao sau này cũng là hoàng thân quốc thích, còn tính tình của tam hoàng tử không nằm trong  phạm vi phải lo lắng của bà vì bà cũng chẳng thân thiết với La Thư Ngọc lắm, đã vậy nó còn lên tiếng đòi đồ cưới, tóm lại khiến bà mất hứng.

“Vâng, mẫu thân.” Lưu thị cúi đầu tiễn đoàn người đưa lão thái thái ra cửa.

La Nhân Thọ không vui nhìn La Thư Ngọc, để ông ta tìm một lý do, lúc gần đi sẽ gọi hai đứa con lớn vào thư phòng nói chuyện sau vậy.

Lưu thị liếc nhìn La Thư Ngọc, cái gì cũng không đưa, nhăn nhó mang đám nha hoàn đi, cả phòng đầy người tức khắc vơi một nửa.

Còn lại đám con cháu nhìn La Thư Ngọc cầm thánh chỉ trong tay, trong mắt có ước ao, có đố kỵ, có thẫn thờ, cũng có khinh thường.

Ánh mắt khinh thường kia dĩ nhiên là La Thư Vũ – đứa con trai được Lưu thị cưng chiều.

La Thư Vũ nắm khối ngọc bội mới sắm đeo trên cổ, nói: “Tam ca, ngươi còn chưa gả cho tam hoàng tử đâu mà đã biết đòi hỏi, ai không biết còn tưởng ngươi đã là tam hoàng phi rồi.”

“Ta thế nào cũng không tới lượt ngươi đánh giá.” La Thư Ngọc vỗ vỗ tay áo mình, nhìn hoa văn thêu hình đám mây trên cổ tay, không thèm liếc mắt.

Dáng dấp tùy tiện như vậy khiến  La Thư Vũ cảm thấy mình bị xúc phạm, chợt nghĩ tới gì đó, hắn nghiêng người về phía La Thư Ngọc: “Tam ca, chắc ngươi còn chưa biết tam hoàng tử là người như thế nào đi, ta nghe nói hắn giết người như ngóe, xác của nha hoàn thường được lôi ra từ trong phòng, chỉ cần hắn thấy ai ngứa mắt liền lấy roi quất, đánh đến khi da thịt bong tróc mới vui, sau này ngươi hãy tự cầu phúc cho mình đi.”

“Ồ, vậy ta thật không hiểu biết bằng ngũ đệ rồi, ngươi là một công tử chưa từng kết hôn thế mà biết chuyện trong phòng nam nhân nhà khác, không biết phụ thân nghe được sẽ nghĩ gì nhỉ? Nếu ngày sau truyền tới tai phu quân tương lai của ngươi, lúc đó chẳng biết ta tự cầu phúc hay ngươi phải tự cầu phúc đâu.” La Thư Ngọc ung dung đáp lại, danh dự với nữ tử quan trọng như thế nào thì với công tử cũng tương tự như thế.

La Thư Vũ bị La Thư Ngọc phản kích đến cứng họng, hắn không ngờ La Thư Ngọc đột nhiên giỏi ăn nói như thế, lời nói nghẹn ở yết hầu tới lúc lâu cũng không tìm được lý lẽ phản bác lại, hắn tức giận đến giơ chân, chỉ có thể nhìn theo bóng lưng La Thư Ngọc phóng khoáng rời đi.

“Tứ tỷ, sao lại không giúp ta?” La Thư Vũ tủi thân trách móc nữ tử nhã nhặn lịch sự đang ngồi bên cạnh.

La Thư Duyệt nở nụ cười dịu dàng, nhẹ nhàng an ủi: “Gấp cái gì, chờ hắn thành hôn xong không phải có trò vui để xem à, phủ tam hoàng tử nếu tốt như vậy thì sẽ tới lượt hắn sao?”

La Thư Vũ được nàng an ủi, hừ nhẹ một tiếng, thầm nghĩ, chi bằng chờ xem trò hề của La Thư Ngọc đi.

Trở lại Như Ý viện, La Thư Ngọc mới thở phào nhẹ nhõm, thái độ phụ thân chỉ làm cho y đau lòng thôi, cũng chẳng ảnh hưởng tới gì cả.

Chuyện ân ân oán oán giữa y và La Thư Vũ không có gì ngoài việc áo quần của ai có chất liệu tốt hơn, vẻ ngoài của ai xinh đẹp hơn mà thôi, từ trước đến giờ y không để ý, kẻ thực sự ảnh hưởng tới vận mệnh mà y phải đối mặt là vai chính trong sách – Thẩm Minh Vân cơ.

Trong cuốn sách, theo góc nhìn của Thẩm Minh Vân, người tam hoàng tử thầm ngưỡng mộ là hắn, sau đó hắn tìm hoàng thượng, rồi không biết vì sao hoàng thượng lại can thiệp, tứ hôn cho La Thư Ngọc và tam hoàng tử.

La Thư Ngọc nhìn thánh chỉ trong tay, khẽ thở dài.

___o0o___

Tác giả có lời muốn nói:  Cập nhật!

Tam hoàng tử: Mau!