Ta Không Làm Thiếp

Chương 46: Chương 46




Kiểm kê chiến công, tu chỉnh phòng thủ trong thành, trợ cấp dân sinh…… Ba ngày liên tiếp Bùi Thận trắng đêm không ngủ, bận rộn đến độ chân không chạm đất.
Chờ kiểm kê chiến công xong mới phát hiện qua trận này, chém hơn vạn quân địch, thu được gần một vạn chiến mã.

Số tổn thất lớn như thế, Yêm Đáp tuy vẫn có thể quấy rầy biên cảnh ở quy mô nhỏ, nhưng ít ra trong vòng năm năm tới không cách nào dẫn đại quân tiến đến xâm chiếm nữa.
Trận thắng lớn này, từ thuở khai quốc hơn trăm năm qua cũng hiếm thấy, càng đừng nói tới bổn triều lúc này vốn không mạnh chiến sự.
Quả nhiên, ba ngày sau, Bùi Thận nhận được chỉ dụ, yêu cầu y dẫn chúng tướng sĩ vào kinh luận công nhận thưởng.
Đại Đồng cách Kinh đô hơn sáu trăm dặm, phóng nhanh thì trên dưới hai ngày có thể đến được.
Tiếp tục chỉnh đốn nửa ngày, Bùi Thận chọn lựa kỹ càng mấy chục tên tù binh, cùng gần ngàn tên tướng sĩ tiến vào từ cửa Vĩnh Định, đi dọc theo đường phía trước cửa Chính Dương, ngang qua đàn tế Sơn Xuyên, đàn tế Thiên Địa, phường Chính Nam, các cửa chợ, lại đi qua phía đông phía tây hẻm Giang Mễ một vòng, rồi mới đến Hoàng thành chờ Hoàng đế triệu kiến.
Hễ những nơi quân sĩ đi qua, đường phố hai bên chen chúc những người là người.

Trên lầu mở cửa sổ ngóng xuống, dưới lầu, trong mái hiên, chen tay chen chân, tiếng người ồn ào.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
“Tới chưa? Tới chưa?”
“Thắng thật rồi sao?”
“Ai da đừng đẩy ta! Đừng có đẩy nữa!”
Trong tiếng ồn ào, chợt thấy có quân sĩ đi vào từ con đường phía trước cửa Chính Dương, thần sắc nghiêm túc, đội hình trải dài hai dặm, cờ xí che lấp mặt trời, thương dài chĩa cao chi chít như rừng rậm.
Không khí bất chợt nghiêm trang lên, áo quần vũ trang dày đặc, sát khí như dòng nước lũ ùa vào mặt, khiến bá tánh hai bên kinh hãi tĩnh lặng.
Áo giáp của pháo binh và kỵ binh vẫn còn hằn số lớn dấu vết bị đao chém, bị chùy đập, còn có những vết máu sót lại do tẩy rửa vội vàng.

Trên những cây thương dài của bộ binh còn vương lại những mảnh áo quần của người Thát Đát, có cả đầu người Thát Đát đã được ngâm qua vôi sống, ước chừng mấy trăm cái.
Người vây xem chung quanh hoàn toàn tĩnh lặng.
Bá tánh Kinh đô hàng năm đều bị giặc cướp Thát Đát quấy nhiễu, ba năm trước Thát Đát thậm chí đã đánh tới dưới Kinh thành, đạp nát ruộng tốt, bắt cướp phụ nữ, tàn sát thanh niên trai tráng.

Đến nỗi ngàn thôn vạn hộ máu chảy thành sông, xương trắng chất thành núi.
Năm đó nhà nào cũng mặc đồ trắng, ai ai cũng làm ma chay.

Người chết oán hận, người sống khóc than, mồ mả nối tiếp liền kề không dứt.

Đưa mắt trông ra, cờ trắng che lấp mặt trời, nghiêng tai nghe ngóng, tiếng kêu khóc vang xa trăm dặm.
Thù sâu như biển, hận tận máu xương, có thể nào quên được?
Hiện giờ nghe nói đánh thắng trận, chém giết, bắt tù binh gần vạn người Thát Đát, tin tức truyền về Kinh đô, không ai dám tin tưởng.

Lại nghe nói ba ngày sau trên đường Chính Dương có nghi lễ hiến tế tù binh, thế nên bá tánh dìu già dắt trẻ tới xem.
Hôm nay thấy mấy trăm đầu người Thát Đát bị treo trên những cây thương dài, xe chở tù đằng sau còn giam giữ mấy chục tên tù binh Thát Đát, bá tánh lúc này mới như vừa tỉnh lại từ cơn mơ.
“Thật sự đánh thắng rồi!”
“Giết sạch Hồ Lỗ!”
“Đánh thắng! Đánh thắng!”
Tiếng hoan hô dần dần lan ra, đầu tiên là một góc đám đông hô lên, sau đó càng ngày càng vang, càng ngày càng vang, đến khi tiếng vang chấn động cả cây rừng, vang tận mây xanh, dần dần biến thành tiếng hô như núi vọng sóng gầm “Hổ! Hổ! Hổ!”
Tiếng pháo bùm bùm chợt vang lên, chiêng trống cùng đánh đinh tai nhức óc.


Hương thân của huyện Uyển Bình, huyện Đại Hưng dẫn đầu, dìu già dắt trẻ, đứng chắn trước ngựa, lấy ra rượu ngon thức quý tiếp đãi quân sĩ.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thấy thế, tiệm rượu hai bên đường sôi nổi dâng ra rượu nổi tiếng nhất của mình nào kháo bích thanh, lan anh tửu, phù dung lộ, ý dĩ tửu, hoàng mễ tửu…… Trong thoáng chốc, mười dặm phố dài đều nồng nàn hương rượu.
Trong quán trà có khách uống nói lớn: “Hôm nay đại thắng, ta mời chư vị dùng trà!”
“Chung vui! Chung vui!” Có người chủ quán nắm tiền đồng vung ra ngoài, khiến đám trẻ hai bên đường nhảy nhót hoan hô, nhao nhao đi nhặt.
Các quán rượu quán ăn, kêu tiểu nhị gánh đồ tới, dọc theo phố lớn rao lên.
“Mì lãnh đào của Lưu gia —— tặng tướng sĩ biên cương!”
“Tới ăn đi! Tới ăn đi! Thịt đầu heo của Hoa gia ở phố cổ Hồ Đồng đây!”
“Kẹo quấn, bánh hấp đây!”
Ngũ cốc sấy của hẻm Trần gia, bánh bao chiên ngã tư Tam Đấu, lại có bánh gạo hoa, kẹo trái cây…… Nhiều vô số, tiểu nhị từ hơn trăm quán ăn đều tới, làm tắc cả con phố dài.
Những người trẻ tuổi thích xem náo nhiệt đứng chen chúc hai bên đường, liên tục ném túi thơm, túi tiền, vòng đeo, ngọc bội lên người các tướng sĩ.
Những người bán rong biết xem thời cơ lại gánh các loại hoa tươi đến, nào hoa sen, mộc phù dung, thu cúc…… Một đóa rồi lại một đóa, giờ này khắc này, không có ai tiếc mấy đồng lẻ mua hoa, họ mua gắn lên đầu, hoặc tung lên người các tướng sĩ.
Múa rồng, múa lân, đánh trống đánh chiêng, mở tiệc chúc mừng…… Phố lớn mười dặm, rượu hoa thơm hương, biển người tấp nập.

Không khí đất trời như đều trở nên ấm áp.
Thấy cảnh này, Bùi Thận khó tránh thầm than trong lòng, hương thân phụ lão, đan thực hồ tương, dĩ nghênh vương sư.

(1)
Mấy vị Tổng binh bên cạnh Bùi Thận ngẩng đầu ưỡn ngực, cố tỏ vẻ oai hùng, chốc lát liền có túi thơm túi tiền rơi vào lòng, khiến đám người nhe răng khúc khích cười.
Tổng binh Tưởng Duệ nhìn nhìn Bùi Thận, thấy vậy mà không có đóa hoa nào rơi vào lòng y, ngay cả mấy chiếc khăn tay thơm ngát cũng bị y nghiêng người né tránh, bỗng thấy khó chịu trong lòng, hạ giọng nói: “Trung Thừa, ngài đang làm gì vậy?”
Bùi Thận nghĩ thầm cả con đường đầy túi thơm, khăn tay, hoa tươi thơm nức này, không có cái nào là y muốn nhận, không né ra, chẳng lẽ để mặc bọn họ ném?
Nghĩ đến đây, sắc mặt Bùi Thận vẫn như thường, chỉ cười lạnh trong lòng, nên tới thì không tới, không cần tới thì tới đầy cả phố.
Thấy Bùi Thận không nói gì, Tưởng Duệ đang định hỏi lại, chợt thấy Bùi Thận ghìm cương ngựa, đã tới trước Hoàng thành.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Chờ gặp mặt Bệ hạ, giao bản đồ, sổ sách của trận thắng xong, lại được Bệ hạ khen vài câu “Tâm tính đoan cẩn, trí thức kiên nghị”, Bùi Thận rời khỏi Hoàng thành, quay về Phủ Quốc công.
Đêm đã vào khuya, Bùi Thận cũng không quấy rầy chú bác, bà nội, chỉ bảo thân vệ cầm đèn lồng đi tới thư phòng phía ngoài.
Thư phòng phía ngoài lúc này không có nha hoàn, bà vú tới hầu, chỉ có duy nhất Trần Tùng Mặc đang quỳ gối xin tội trong đình.
Bóng đêm đen đặc, chỉ có trăng sáng treo đầu cành liễu, ánh trăng bàng bàng rọi bóng hoa cỏ in xuống nền đất đầy sương.
Bùi Thận mặc bổ tử thêu kỳ lân, khoác áo lụa đỏ, đeo đai sừng tê, bên hông treo dây gấm tứ sắc đính ấn triện, vội vàng bước đến, liếc nhìn Trần Tùng Mặc đội sương mà quỳ, nói: “Làm việc thất bại, theo quy định trong quân phạt mỗi người hai mươi gậy, có phản đối không?”
Trần Tùng Mặc trộm thở phào nhẹ nhõm, đáp lời rồi đi lãnh phạt.
Bùi Thận vào thư phòng đóng cửa châm đèn, bước tới trước bàn, bình tĩnh trải tấm giấy Tuyên Thành, cầm chặn giấy ngọc kỳ lân chặn lên, đưa tay lấy hai cây bút lông Hồ Châu.
Trước tiên dùng mực nhạt phác ra ngũ quan, kế đến lại dùng sắc đỏ để tô xương cốt da thịt, tiếp tục chồng các lớp màu đỏ, trắng đan xen, cuối cùng dùng cây bút lông cừu, tỉ mỉ họa ra lông mày, tóc mai.
Thả bút vào bình rửa bằng sứ Tuyên Đức tỉ mỉ cọ rửa, Bùi Thận thong thả hớp ngụm trà, chờ mực khô lại.
Chính vào lúc này, bên ngoài chợt có người gõ cửa, Bùi Thận nói “Tiến vào.”
Có người đàn ông mặc áo viên lĩnh màu đen, khuôn mặt để râu quai nón, nương theo bóng đêm bước vào cửa.
Bùi Thận bông đùa: “Trấn phủ sứ lúc này ngày càng cẩn thận.”
Thạch Kinh Luân cười đau khổ, khép cửa lại thì thầm: “Lén lén lút lút, quả thật không phải việc nam nhi nên làm.


Nếu không phải có việc gấp, gì đến nỗi nửa đêm ta phải đến đây?”
Bùi Thận thấy bức họa trên bàn đã khô, mới cẩn thận gấp nó lại.
Thạch Kinh Luân dò xét nhìn qua, không nhịn được cảm thán: “Đại nhân thật là bình tĩnh! Lửa sém lông mày nhưng vẫn còn tâm trạng vẽ tranh.”
Bùi Thận cười khẽ: “Đây không chỉ là bức vẽ tầm thường đâu, mà là linh đơn thuốc tiên có thể giải được nỗi tâm sự ưu phiền của Chỉ Huy sứ nhà ngươi đấy.”
Thạch Kinh Luân sửng sốt, buồn bực nói: “Chỉ Huy sứ không thích đàn ông.” Người trong bức họa này là nam mà lớn lên nữ tính, dung mạo tươi đẹp, nhất định không phải vật tầm thường, nhưng Chỉ Huy sứ cũng đâu quan tâm tới đàn ông.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Bùi Thận không chút hoang mang cuốn bức họa lại, đáy mắt ngập đầy sương lạnh, nhưng ngoài miệng vẫn ung dung nói: “Đây là ái thiếp của ta.”
Thạch Kinh Luân hơi giật mình định hỏi lại, ai ngờ câu tiếp theo của Bùi Thận khiến hắn biến sắc.
“Ta tới Sơn Tây làm nhiệm vụ, nàng ở đây sơ ý lạc đường rồi.”
Sơ ý đi lạc? Một thiếp hầu, đang yên đang lành ở Phủ Quốc Công, sao tự dưng có thể đi lạc? Chỉ sợ là bỏ trốn.
Thạch Kinh Luân cũng không biết nên nói gì, nghẹn họng một lúc lâu mới lẩm bẩm: “Nữ nhân này chẳng lẽ là thích nữ?”
Nếu không phải không thích đàn ông, ai lại đi bỏ qua người tuấn lãng thanh cao, quyền sang chức trọng như Bùi đại nhân, chẳng hợp lý chút nào!
Bàn tay cầm cuộn tranh của Bùi Thận nắm chặt như muốn bóp nát nó ra, lúc lâu sau y mới cười khẩy nói: “Ngươi cầm bức họa này đi, tra xét giúp ta xem người trong này đang ở nơi nào?”
Thạch Kinh Luân chắp tay đáp: “Vâng, thưa đại nhân!” dứt lời, lại nói: “Nhưng việc này có liên quan gì đến Chỉ Huy sứ?”
Bùi Thận nhàn nhạt đáp: “Đoạn Nhân chết oan trong ngục, vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại trống ra, hai phe Lâm Thiếu bảo và Trần Các lão đang tranh chấp không thôi.”
Thạch Kinh Luân hạ giọng: “Bùi đại nhân chiến công hiển hách, lại mới thắng trận ở Tuyên-Đại.

Hôm nay bệ hạ còn khen Bùi đại nhân hiểu biết tài giỏi, chăm chỉ luyện tập.

Triều đình trên dưới đều đồn đoán rằng Bùi đại nhân sắp sửa nhậm chức Tổng Đốc Tuyên-Đại.”
Xà nhà phía ngoài sẽ mục nát trước.

(2) Bị Hoàng đế khen ngợi trước toàn triều văn võ, bốn phương tám hướng đều là những ánh mắt vừa hâm mộ vừa đố kỵ, sao lại là chuyện tốt?
Bùi Thận âm thầm cảnh giác, cười nói: “Ngươi cứ báo cho Lục Chỉ Huy sứ, ta cũng không màng vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại này.”
“Vì sao?” Thạch Kinh Luân nhíu mày hỏi.
Bùi Thận chỉ cười không đáp.
Y năm nay hai mươi bốn, làm quan nhị phẩm Tuần phủ đã như dệt hoa trên gấm, lửa cháy thêm dầu.

(3) Nếu lại nhận vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại, nghĩa là hai mươi bốn tuổi đã làm quan lớn chính nhị phẩm, quá mức bắt mắt.

Huống hồ, bước lên đỉnh cao quá sớm, tới lúc không thể phong thưởng thêm được nữa, công trạng lấn át cả hoàng thất kết cục ra sao, ai ai cũng hiểu.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Lúc này, vốn là nên lùi lại, hạ mình, tích góp công lao, chờ tích lũy đầy đủ tới hơn ba mươi, có thể một bước tiến vào Nội các.

Đây là thứ nhất.
Thứ hai, Lâm Thiếu bảo và Trần Các lão, hai phe tranh giành vị trí này kịch liệt, lúc này y cuốn vào đó gặp ngay lúc nước ngầm cuộn trào mãnh liệt nhất, đến lúc muốn thoát thân lại khó khăn.

Thứ ba, với tư cách là một ứng viên đầy tính cạnh tranh cho vị trí này, y chủ động lui ra, bất kể là Lâm Thiếu bảo hay là Trần Các lão, đều nên chia cho y chút lợi lộc.

Chức vị của những người bạn đồng niên, đồng hương của y cũng đến lúc nên nâng lên.
Thứ tư, đó là phải từ bỏ vị trí này để giữ lại Lục Chỉ Huy sứ.
“Lục Chỉ Huy sứ không phải đang lo Bệ hạ muốn Lâm Thông tới đảm nhiệm vị trí Chỉ Huy sứ Cẩm Y Vệ sao?” Bùi Thận cười hỏi.
Cái ghế dưới mông sắp bị cướp mất, sao có thể không sầu?
Thạch Kinh Luân cũng không hiểu y sao lại đổi đề tài, gật đầu nói: “Tên Lâm Thông đó tuy tầm thường, nhưng là con trai của Lâm Thiếu bảo, em trai của Uyển Quý phi, rất được Bệ hạ tin cậy.”
Bùi Thận liền cười: “Ngươi nói với Chỉ Huy sứ, bảo ngài ấy giúp Lâm Thiếu bảo tranh lấy vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại là được.”
Hiện giờ Yêm Đáp bại lui, Tuyên-Đại trong vòng năm năm tới không có trận chiến lớn, đổi tên Lâm Thông tầm thường lên ngồi, chỉ cần không làm xằng làm bậy, ngoan ngoãn làm con rối gỗ, cũng không có gì đáng ngại.
Mà phe Lâm Thiếu bảo được vị trí này, để cân bằng thế lực trong triều, Bệ hạ sẽ không tiếp tục đưa vị trí Chỉ Huy sứ Cẩm Y Vệ cho Lâm Thiếu bảo nữa.
Thế là ghế của Lục Chỉ Huy sứ cũng được bảo vệ.
Nghĩ đến đây, Bùi Thận khịt mũi: “Ta cùng Chỉ Huy sứ nhà ngươi nhiều năm quen biết, tội gì muốn đến thử lòng ta?”
Thạch Kinh Luân cười hiền lành nhìn Bùi Thận.

Kỳ thật biện pháp dùng Tổng Đốc Tuyên-Đại để giữ ghế Chỉ Huy sứ, Lục Chỉ Huy sứ cũng có thể nghĩ ra được.
Nhưng tiên quyết của biện pháp này đó là Bùi Thận chịu từ bỏ vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại.

Cho nên Thạch Kinh Luân mới phải đêm hôm khuya khoắt tới hỏi dò ý của y.
Bùi Thận cười nói: “Lần này Lục Chỉ Huy sứ giữ được chỗ ngồi, nhưng tình cảnh vẫn rất khó khăn.”
Sắc mặt Thạch Kinh Luân trở nên nghiêm túc.

Bệ hạ muốn thay Lâm Thông, có lẽ đơn thuần là bởi vì thích Uyển Quý phi, hoặc cũng có lẽ là do không hề tín nhiệm Lục Chỉ Huy sứ.
Cái trước còn tốt, nếu là cái sau, thật sự là nguy hiểm.
Lục Chỉ Huy sứ nếu mất thánh tâm, cho dù gượng qua lần này, cũng chắc chắn có lần tiếp theo.
“Để chắc chắn hơn, Chỉ Huy sứ cần thiết phải tỏ lòng trung thành với Bệ hạ.” Bùi Thận nói.
Thạch Kinh Luân nhíu mày: “Còn phải tỏ thế nào nữa? Chỉ Huy sứ thử thuốc cho Bệ hạ, đêm đêm cầm thương canh giữ ngoài điện.

Còn dốc lòng nghiên cứu thanh từ, thư chúc mừng hàng năm đều là tự mình sáng tác.

Năm ngoái còn hiến 《 thiên tứ thời ngọc phú 》, 《 long phi tụng 》, lại tìm tới hai con sư tử trắng tỏ ý chỉ điềm lành.”
Bùi Thận phiền chán nhất là hạng bám lưng quần, nhờ vào a dua nịnh hót để lên chức.

Chỉ ngặt nỗi vị trí Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ này, quan trọng nhất không phải là chiến tích trác tuyệt, không phải xuất thân tiến sĩ, mà là sự tín nhiệm của Hoàng đế.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Hết cách, Bùi Thận đành nói: “Không biết Bệ hạ có hoài nghi lòng trung thành của Chỉ huy sứ hay không, lại càng không biết hoài nghi do đâu, đã vậy, cách tốt nhất là tìm cách khác để tỏ lòng trung thành với Bệ hạ.”
“Lời này tức là?” Thạch Kinh Luân hỏi.
Hỏi dứt câu, nhìn theo ánh mắt của Bùi Thận, hắn trông thấy bức họa mình đang cầm trên tay.
“Cẩm Y Vệ vốn có chức trách giám sát quan lại trong triều, Chỉ Huy sứ chỉ cần mật báo với Bệ hạ, Lâm Thông quá mức tầm thường, Bùi Thận gần đây rảnh rỗi sa đà vào nữ sắc, đang cho người tìm tung tích một ái thiếp bị bắt cóc, Triệu Tuyền là tên quan ác.” Triệu Tuyền là người được Trần Các lão đề cử, là một trong những người tham gia cạnh tranh cho vị trí Tổng Đốc Tuyên-Đại.
Bùi Thận giải thích: “Cứ thế, Chỉ Huy sứ sẽ đắc tội cả Lâm Thiếu bảo, Trần Các lão và ta, trở thành thần tử không phe phái, chỉ trung thành với Bệ hạ.

Bệ hạ nghĩ đến lòng trung này, sẽ không tiếp tục sinh lòng nghi ngờ nữa, lúc này có thể hoàn toàn bảo vệ vị trí Chỉ Huy sứ.”
Thạch Kinh Luân giật mình choáng ngợp, thầm nghĩ Bùi đại nhân quả là trượng nghĩa, vậy mà chịu hy sinh ấn tượng của bản thân trong lòng Bệ hạ để giúp đỡ Chỉ Huy sứ.
Nghĩ vậy, hắn lập tức quỳ xuống, dập đầu thật mạnh trước Bùi Thận: “Ta thay mặt Chỉ Huy sứ cảm tạ Bùi đại nhân!”
Bùi Thận tức khắc đỡ lấy hắn: “Ta cùng Chỉ Huy sứ tương giao nhiều năm, nên vậy.” Cẩm Y Vệ là đồng minh đắc lực của y, Bùi Thận tất nhiên muốn giữ lại đối phương.
Nói rồi, Bùi Thận lại cười: “Huống hồ dùng cách này, nhìn bề ngoài có vẻ là đắc tội Lâm Thiếu bảo.


Nhưng so với ta ham mê nữ sắc, Triệu Tuyền tàn bạo độc ác, người tầm thường như Lâm Thông nhất định sẽ ngồi được vào ghế Tổng Đốc Tuyên-Đại.

Lâm Thiếu bảo sẽ cho rằng Chỉ Huy sứ đang giúp ông ta.”
“Về phần Trần Các lão, chỉ cần lúc sau Chỉ Huy sứ giúp Triệu Tuyền tìm một vị trí không tệ, Trần Các lão không sẽ trách Chỉ Huy sứ.”
Còn y? Tuổi còn trẻ, công lao quá cao, đang cần bôi đen chính mình, nhưng lại không thể dùng những thủ đoạn để lại điểm yếu.

Cách này vừa hay thích hợp.

Y dò tìm tung tích của một thiếp thất bị bắt cóc, nghĩ theo hướng tốt, Bệ hạ thích Uyển Quý phi, nghe vậy sẽ chỉ cảm thấy y là người nặng tình cảm.

Nghĩ theo hướng xấu, tệ lắm cũng chỉ cảm thấy y tuổi trẻ cuồng vọng, tính tình nóng nảy, cần mài giũa thêm.

Vừa lúc, Bùi Thận đang muốn hạ bản thân thấp xuống.
Đã có thể giữ được Lục Chỉ Huy sứ, lại có thể để bản thân y thả lỏng một phen, tốt cho cả hai phía.
Thấy Bùi Thận cười với mình, chuyện gì cũng lo nghĩ thay Chỉ Huy sứ, Thạch Kinh Luân cảm kích ơn nghĩa này, chắp tay hào sảng nói: “Bùi đại nhân cứ việc yên lòng! Cẩm Y Vệ dù là lên trời xuống đất, cũng phải đào cho ra nữ nhân này!”
Bùi Thận dịu giọng: “Nếu vậy, đa tạ Trấn phủ sứ.”
Nhìn Thạch Kinh Luân rời đi, Bùi Thận quay lại ngồi xuống trước bàn gỗ nam, nhấc bút chậm rãi vẽ một bức Mai đỏ giữa trời tuyết.
Vẽ xong, y ngắm nghía bức Mai đỏ thanh tao mà diễm lệ ấy, lại nâng bút đề một câu bên cạnh.
“Gió đưa thoảng nhẹ u hương
Tinh khôi như ngọc người dường mê say.” (4)
Chú thích:
1 đan thực hồ tương, dĩ nghênh vương sư: câu nói trong 《 Mạnh Tử · lương huệ vương hạ 》, mô tả tình bạn giữa nhân dân và tướng sĩ
2 Thành ngữ ẩn dụ những người nổi bật sẽ bị tấn công trước
3 dệt hoa trên gấm, lửa cháy thêm dầu: ý chỉ những việc dư thừa, không cần thiết
4 Nguyên văn: “Phong đệ u hương khứ, nhân khuy tố diễm lai” => Cải biên từ hai câu trong bài Tảo Mai của Tề Kỷ thời Đường
Tảo mai
Vạn mộc đống dục chiết,
Cô căn noãn độc hồi.
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ nhất chi khai.
Phong đệ u hương xuất,
Cầm khuy tố diễm lai.
Minh niên như ưng luật,
Tiên phát Vọng Xuân đài.thivien.netDịch nghĩa:
Gió truyền đi hương thơm kín đáo
Chim đã nhìn trộm thấy vẻ đẹp trắng trong trở lại
Bản dịch thơ của Nguyễn Quê, trang Thivien.net
Muôn cây lạnh muốn gãy rồi
Gốc kia riêng ấm mỗi chồi nhú ra
Trước làng tuyết tựa bông nhòa
Đêm qua có một cành hoa nở bừng
Gió đưa thoảng nhẹ u hương
Tinh khôi như ngọc chim dường mê say
Sang năm theo lệ sớm khai
Cội mai lại trổ trước đài vọng xuân
Bùi Thận đổi “xuất” thành “khứ”, “cầm” thành “nhân” thành câu “Phong đệ u hương khứ, nhân khuy tố diễm lai”, hương mai nhàn nhạt thoảng theo gió, có người đã thấy vẻ đẹp mùa xuân đang trở về.