Ta Không Làm Thiếp

Chương 25: Chương 25




Mấy người Thẩm Lan vừa rời khỏi thì có một người phụ nữ trung niên đầu gắn đầy châu ngọc dắt theo một thiếu nữ đang độ thanh xuân bước ra từ sau tấm bình phong.
Thiếu nữ kia vừa tuổi cập kê, mặt mày yểu điệu, miệng cười sáng trong.

Nàng mặc áo lụa mềm dệt kim, váy lụa thêu hoa, mang hài sa tanh màu xanh, bên búi tóc mây nghiêng nghiêng cắm mấy cây trâm bướm lả lướt, eo đeo túi thơm, dải lụa, tay mang vòng ngọc xuyến bạc, vừa nhìn thì biết đó là một tiểu cô nương con nhà giàu có.
Thấy nàng bước ra, Trịnh Chử bưng chén trà thố hào Kiến Diêu (1) nhấp một ngụm trà hoa mộc hương đậu xanh bát bảo, cười nói: “Phu nhân, Tuệ Nương, ngồi xuống đi.

Nếm thử trà này xem, rất hợp cho nữ tử uống.”
Người phụ nhân kia dắt theo cô thiếu nữ tìm ghế ngồi xuống, lại ăn chút bánh ngọt nhân cam, kẹo đường cán mỏng.
Ăn không nói chuyện, ngủ không nói chuyện (2), ba người yên lặng lót đầy bụng xong, lúc này Trịnh Chử mới nói: “Tuệ Nương, con cứ đòi gặp Bùi Thận một lần cho biết, bây giờ đã gặp rồi, con thấy thế nào?”
Nghe phụ thân hỏi chuyện, Trịnh Tuệ Nương lấy đũa tre chọt chọt đĩa dưa gang, cúi đầu không nói.
Thấy nàng như vậy, Trịnh phu nhân lấy khăn tay che miệng cười: “Tuệ Nương đừng xấu hổ, thành hôn tuy là theo lệnh cha mẹ, theo lời mối mai, nhưng ta và cha con đều mong con có thể hòa thuận êm ấm với phu quân của mình.

Hôm nay gặp Bùi Thủ Tuân rồi, nếu con thấy có điểm nào không ổn thì phải nói ra.”
Sợ con gái ngại ngùng, Trịnh Chử tiếp lời: “Bùi Thận tuy lớn hơn con nhiều tuổi, nhưng đó là vì phải đeo tang mà chưa thể thành thân.

Cha đã hỏi thăm rồi, y không có thiếp thất cũng không có nha đầu thông phòng (3), chắc hẳn không phải hạng tham hoa háo sắc.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
“Huống hồ mới rồi cha cũng kiểm tra qua, người này có tài văn chương, thăng hoa như rồng phượng lại cứng cỏi như sắt đá, thật sự là tửu phát hùng đàm, kiếm tăng kỳ khí, thi thổ kinh nhân ngữ (1*).

Lại thêm, y có chiến công lớn ở vùng Sơn Tây.

Văn võ song toàn, nhất định là rể hiền!”
Trịnh Chử tiếp tục đắc ý vuốt râu: “Cha đã vì con tìm được một vị rể hiền, Tuệ Nương sao chưa mau mau cảm ơn cha?”
Nghe đến đây, Trịnh Tuệ Nương bỗng dưng ném chiếc đũa tre trong tay xuống, ngẩng đầu nói: “Cha nói bậy! Tên Bùi Thận kia rõ ràng là đồ h.áo sắc, biết trước hôm nay cha sẽ kiểm tra hắn, vậy mà vẫn dắt một tỳ nữ xinh đẹp theo hầu.”
Trịnh Chử nhíu mày: “Tỳ nữ xinh đẹp ở đâu vậy?”

Trịnh phu nhân cũng ưu tư nói: “Lão gia, cạnh bên Bùi Thận đúng là có một tỳ nữ, ăn mặc tuy không nổi bật lắm, nhưng nhìn mặt mũi dáng người, ta và Tuệ Nương dù cách tấm bình phong đều cảm thấy đây là một mỹ nhân tuyệt sắc.”
Trịnh Chử ngẫm nghĩ lại một lát, lại cười: “Nàng kia nếu là người Bùi Thận nâng niu, chắc chắn sẽ không để nàng ăn mặc xoàng xĩnh như vậy.

Có thể thấy nàng này chỉ là một tỳ nữ bình thường thôi.”
“Nhưng nàng ta vô cùng xinh đẹp, nếu thành hôn rồi hắn một hai muốn nạp nàng làm thiếp, vậy con phải làm sao đây?” Trịnh Tuệ Nương vội la lên.
Trịnh Chử khuyên giải an ủi: “Con yên tâm đi.

Bùi Thận đang tuổi tráng niên mà lại tình nguyện giữ tang cho một người thầy dạy vỡ lòng mười mấy năm trước, chịu đựng ba năm không gần nữ sắc, có thể thấy được y là người biết giữ nguyên tắc.

Người như thế, tất nhiên sẽ không làm con mất mặt.”
Nói khó nghe chút, dù có đeo tang hay không, chỉ cần không lòi ra đứa bé, bên ngoài đâu ai biết được liệu người này có đụng vào mỹ nhân.
Ai ngờ Tuệ Nương nghe vậy, vội vàng nói: “Cha, gì mà không gần nữ sắc, có lẽ Bùi Thận kia đã sớm có thông phòng, di nương, chẳng qua che giấu rất kỹ mà thôi.”
“Nói bậy bạ gì đó!” Trịnh phu nhân trách mắng: “Thông phòng di nương là thứ con được phép nhắc đến sao!”
Tuệ Nương cúi đầu bĩu môi, hai mắt rưng rưng.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thấy nàng như thế, Trịnh Chử xót vô cùng, vội an ủi không ngừng: “Tuệ Nương đừng buồn, cha chắc chắn sẽ tìm cho con một tấm chồng tốt mà.”
Chỉ có Trịnh phu nhân bắt đầu hơi khả nghi, đây là miếng thịt từ trong bụng bà rơi xuống, bà hiểu rất rõ tính tình của Tuệ Nương, thấy Tuệ Nương kiêu căng như vậy, đột nhiên hỏi: “Hay trong lòng con đã vừa ý người nào khác?”
Trịnh Tuệ Nương quýnh lên, lắc đầu liên tục: “Không có không có! Con suốt ngày chỉ ở trong nhà, có bao giờ gặp được ngoại nam (4) nào đâu.”
Trịnh Chử hòa giải: “Tuệ Nương xưa nay hiểu chuyện, tất nhiên sẽ không làm ra những chuyện ngốc nghếch như vậy.”
Trịnh Tuệ Nương miễn cưỡng cười cười, cúi gằm mặt không nói chuyện nữa.
Ở một gian phòng thiền khác, có tiểu sa di dẫn Bùi Thận, Thẩm Lan tiến vào, Lâm Bỉnh Trung cùng Trần Tùng Mặc cầm đao đứng canh bên ngoài.
Phòng thiền dùng đá lát nền, cửa sổ lăng hoa, không gian tuy rộng nhưng vẫn mộc mạc giản đơn, trong phòng cũng chỉ có bàn ghế, giường nệm mà thôi.


Một lát sau, lại có một tiểu sa di bưng tới một hộp đồ ăn ba tầng, bày hết đồ chay ra bàn, nói câu “Mời thí chủ dùng” rồi lui ra.
Thẩm Lan nhìn sơ qua thấy đều là món chay, tôm chay lột vỏ, hạt óc chó phỉ thủy, gà nướng hạt thông chay, thịt chiên dưa góp chay…
Bùi Thận nhàn nhã phe phẩy quạt, chờ Thẩm Lan bày biện chén đĩa chỉnh tề rồi chia thức ăn.
Tới lúc Thẩm Lan chuẩn bị gặp tôm chay bỏ vào chén của Bùi Thận, y bỗng nhiên nói: “Quảng Nhân sư phụ là người ở Dương Châu, làm món Dương Châu rất là ngon, cô ăn thử món ba chỉ hầm này xem.”
Thẩm Lan sửng sốt, cúi đầu: “Cảm ơn Gia ban thưởng.”, lấy một đôi đũa tre khác nếm một miếng.
“Có giống mùi vị quê hương không?” Bùi Thận cười nói.

Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thẩm Lan thật tình không cười nổi.

Đây không phải lần đầu Bùi Thận thưởng đồ ăn cho nàng, nhưng là lần đầu tiên y thưởng món ăn Dương Châu.
“Nô tỳ khi còn bé sống cảnh nghèo khó, cũng chưa từng ăn quá nhiều đặc sản Dương Châu.” Tới lúc làm ngựa gầy thì hàng ngày nhịn đói, được ăn đã không tệ lắm rồi.
Bùi Thận cười: “Sau này còn nhiều cơ hội.” Dứt lời lại nói: “Ngồi xuống đi, cả bàn đồ ăn này hết một nửa là món Dương Châu, dù sao một mình ta ăn cũng không hết.”
Thẩm Lan chợt ngẩn ra, có lẽ lúc nãy ở Đại Hùng Bảo Điện nghe nàng nói muốn về nhà, Bùi Thận cho rằng nàng nhớ Dương Châu mới cố tình mời sư phụ trong chùa làm món Dương Châu cho nàng.

Nhưng nàng cùng Bùi Thận chỉ là chủ tớ không hơn, vì sao y lại quan tâm nàng như thế?
Thẩm Lan khoảnh khắc lướt qua nhiều suy nghĩ, ngoài miệng đáp: “Cảm tạ Gia ban thưởng, chỉ là nô tỳ thô kệch thấp kém, không dám ngồi ăn cùng bàn với Gia.”
Biết Bùi Thận rất ghét kẻ khác trái ý, thấy thần sắc y đã lạnh xuống, Thẩm Lan lập tức nói: “Hay là Gia cứ chừa lại cho nô tỳ chút cơm canh là được rồi, nô tỳ vô cùng cảm kích.”
“Thôi.” Bùi Thận thấy nàng kính cẩn mà xa cách, lòng cảm thấy không vui, yên lặng dùng cơm không nói tiếp nữa.
Thẩm Lan thở phào, tự hỏi mấy ngày nay Bùi Thận không biết bị chuyện gì k.ích thích, hành động ngày càng kỳ quái, tự dưng đột ngột trở nên chăm nom, săn sóc nàng.
Hôm qua thì không dưng thưởng hoa nhung cho nàng, còn nói cái gì gả chồng phải đeo.

Rồi bàn cơm này, không chỉ cố tình làm món Dương Châu, còn bảo nàng ngồi xuống ăn chung.

Nghĩ đến đây, Thẩm Lan càng ngày càng bất an.

Bắt đầu từ hoa nhung, tới cỗ kiệu, lại tới mâm cơm này, từng việc từng việc đều giống như bữa cơm cho tử tù trước lúc hành hình, khiến nàng đứng ngồi không yên.
Càng làm cho nàng bất an hơn nữa là chuyện hôm nay y đi xem mắt.

Bùi Thận là con cháu quý tộc, lại là trọng thần trong triều, ra ngoài mang theo vài nha hoàn cũng là lẽ thường tình, nhưng chỉ mang theo một nha hoàn xinh đẹp dĩ nhiên sẽ làm nhà gái không hài lòng, điều này rất không hợp lý.
Lòng Thẩm Lan nặng trĩu, linh cảm những điều quái gở này là dấu hiệu cho một điềm chẳng lành.

Chúng đan dệt thành từng lớp mạng nhện chằng chịt, khiến nàng như con thiêu thân vô tình vướng vào, nỗ lực giãy dụa vùng vẫy để sau cùng cũng không thể tránh thoát.
Thẩm Lan ủ dột, vẫn tiếp tục hầu hạ Bùi Thận dùng cơm, lại tráng miệng bằng một đĩa sơn trà dại mọc sau chùa.
Trà đủ cơm no, tâm trạng Bùi Thận không tệ lắm, cười hỏi: “Ban nãy cô cũng vào phòng thiền kia, liệu có đoán được người ngồi sau bình phong là ai?”
Thẩm Lan hơi ngừng lại: “Nhìn dáng điệu, có lẽ là hai người nữ.” Đáp rồi, nàng nghĩ tới nghĩ lui, cảm thấy Bùi Thận đã đề cập đến chuyện này, nếu không nhân cơ hội dò hỏi một chút, lòng nàng khó yên.
Hạ quyết tâm xong, Thẩm Lan ra vẻ lơ đãng nói: “Gia tới gặp họ làm gì? Mà cần phải gặp cách bình phong như vậy nữa.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Bùi Thận thả chén trà gốm xanh xuống, lấy cây quạt Kim Xuyên chỉ chỉ vào trán nàng, cười nói: “Cô xưa nay thông minh nhạy bén, thử đoán mục đích của ta xem?”
“Lẽ nào là đi xem mắt thê tử tương lai sao?” Thẩm Lan trong lòng nặng nề, gượng cười hỏi.
Bùi Thận gật đầu, lại cầm khối bánh in đưa cho nàng: “Cô cảm thấy nàng này thế nào?”
Cùng một đứa hầu bàn về vợ cả, dù là trường hợp nào đều có vẻ quá mức ngả ngớn, không phù hợp.

Linh cảm không tốt của Thẩm Lan càng trở nên mãnh liệt.
Nàng nhận lấy bánh in, thấy miệng đắng nghét, trong lòng mắc nghẹn, mang theo một tia hy vọng cuối cùng hỏi: “Nô tỳ chưa hề thấy nàng, sao biết được nàng thế nào?”
Bùi Thận thấy sắc mặt nàng trắng nhợt, tưởng nàng lo sợ chủ mẫu tương lai hà khắc, y trấn an: “Tất nhiên là tốt, Trần Tùng Mặc đã tra rồi, nàng này do đích thân Trịnh Chử nuôi dạy mười lăm năm, thuộc làu quy tắc đạo đức, thông hiểu thơ phú, tính tình nhu hòa hiền thục, tương lai nhất định có thể chấp nhận cô.”
Chấp nhận cô.
Thẩm Lan nhấm nuốt mấy chữ này, cảm thấy như bị đao bén chém tận xương, chém đến nàng máu tươi đầm đìa, xương cốt đau đớn.
Nàng đã mặt cắt không còn chút máu, cắn răng đến mức miệng như xuất huyết.
“Chấp nhận ta…… là có ý gì?” Gằn từng chữ một, chữ chữ ngậm máu.
Bùi Thận nhìn nàng âu yếm, thong thả nói: “Thấm Phương, cô thông minh mẫn tuệ, chẳng lẽ còn chưa rõ ý của ta sao?”
Thẩm Lan dường như không quá nghe hiểu lời Bùi Thận nói, chỉ ngơ ngác đứng nhìn y.


Sự thông minh nhạy bén trước giờ đều tan biến đâu mất, sửng sốt hồi lâu, mới chậm chạp suy nghĩ cẩn thận hàm ý của Bùi Thận.
Tân phu nhân tất nhiên không có chuyện không chấp nhận nổi một nha hoàn, duy nhất không chấp nhận được, là thiếp hầu.
Thiếp hầu.
Thẩm Lan ngộ ra đáp án, lỗ tai như ù đi, trước mắt sương mù mênh mông một mảnh, khoang miệng ngập tràn mùi máu tươi, có lẽ là vô thức đã cắn rách má trong.
Cửa sổ của phòng thiền này chỉ dán bằng một lớp giấy hoa đào hơi mỏng, dường như có gió bắc thổi thốc vào, lạnh buốt tận xương.

Ly trà đặt trên bàn không ai động đến, dần dần nguội ngắt.
Trà lạnh gió lạnh, lời nói cũng lạnh, tựa đao tuyết kiếm sương mạnh mẽ ép tới mức lục phủ ngũ tạng của nàng đảo lộn, đau đến độ không thốt nên lời.
Ba năm dằng dặc, mong ngày mong đêm, chỉ ngóng trông đến ngày hủy bỏ nô tịch, rời phủ sống đời thong dong.
Mong tới ngóng lui, dã tràng xe cát.
Tác giả có chuyện nói:* tửu phát hùng đàm, kiếm tăng kỳ khí, thi thổ kinh nhân ngữ, xuất từ 《 Niệm Nô Kiều · Sách Huân Vạn Lí —— Cao Khải 》Thức ăn nơi xuất từ 《 kim.

Bình.

Mai phong tục đàm 》Chú thích:
*Hoa Nhung: di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Chi tiết hoa nhung tham khảo tại đây
(1) chén trà thố hào Kiến Diêu (men lông thỏ): là một loại biến thể lò nung nổi tiếng và quý giá trong các tách trà tráng men đen (Kiến trản) được nung bởi Lò nung Kiến Dương ở Phúc Kiến vào thời nhà Tống.

[1] Ngoài lò nung Kiến Diêu, men đen của lò Diệu Châu thời nhà Tống, men đen của lò Thiên Mục ở Lâm An, Chiết Giang và men đen của lò Đạt Châu ở Tứ Xuyên đều có lông thỏ các mẫu có nhiều màu sắc khác nhau [2](Baidu)
(2) Ăn không nói chuyện, ngủ không nói chuyện: quy tắc thói quen và hành vi trong Luận Ngữ của Khổng Tử
(3) nha đầu thông phòng: là nô tì nhưng chuyên được chọn lựa ra để giúp các chủ nhân nam “học về giới tính”, để tiện hầu hạ trong đêm nên sẽ được ở trong phòng nhỏ có cửa thông với phòng của chủ nhân do đó gọi là thông phòng.

Lưu ý vai vế của họ vẫn là nô tì, không có danh phận, không phải chủ.
(4) Ngoại nam: đàn ông không phải người trong gia đình cha/cậu/ chú/ bác/anh trai/em trai.