Phù Dung Loạn

Chương 3



Triệu Lăng sợ tôi quấn lấy y nên đồng ý đề thơ trên mặt quạt.

Y giao cây quạt cho Tô nội quan, bảo tôi ngày mai sai người tới lấy là được.

Khi y hỏi tôi muốn viết câu thơ gì, tôi đáp:

“Nhất điểm hạo nhiên khí,

Thiên lý Khoái Tai phong.”

Triệu Lăng “Ồ” lên một tiếng: “Hoàng hậu tuy tuổi không lớn nhưng thật tiêu sái.”

Tôi đính chính: “Thần thiếp không còn nhỏ, năm ngoái đã cập kê. Bệ hạ còn ban trâm vàng sai Tô nội quan đem đến, ngài đã quên rồi ạ?”

“Quên rồi.”

Công nhận y thẳng thắn thiệt, chẳng thèm hỏi lại Tô nội quan đang đứng ngay bên cạnh, chỉ thờ ơ bảo tôi: “Không có việc gì thì lui đi.”

Tôi mang theo Thải Quyên rời điện, trước khi đi còn không quên nhắc Thải Quyên đóng cửa: “Tống Tu nghi mặc quá phong phanh, chớ để gió lùa sẽ cảm lạnh.”

Hai ngày sau, Thôi nội quan đem một con vẹt tới Tiêu Phòng Điện.

Tôi mải mê dạy nó nói chuyện mà quên bén vụ sai người lấy cây quạt.

Đến khi nhớ ra, tôi tự mình dẫn người đi lấy, mới phát hiện Triệu Lăng cũng quên luôn.

Thấy tôi tới xin quạt, y mới sai cung nhân mài mực.

Tôi tiếp nhận thỏi mực, vừa mài vừa cười nói: “Xin bệ hạ viết cẩn thận, không thể qua loa lừa người.”

Triệu Lăng liếc tôi một cái, vẻ mặt bình thản.

Khi hạ bút, đột nhiên y hỏi tôi: “Nghe nói Hoàng hậu thích xem diễn, thường xuyên kêu gánh hát tạp kỹ ở thành Lạc Dương vào cung.”

“Phải ạ, bọn họ nhào lộn rất nghề, lão bầu gánh còn có thể nhào lộn được bảy vòng. Bệ hạ từng xem hát tuồng chưa, Đông Hải Hoàng Công, vung đao vàng đấu với hổ trắng...”

Tôi hớn hở nói không ngừng, Triệu Lăng hiếm khi không mất kiên nhẫn, nhận xét: “Nghe thú vị đấy!”

“Nếu bệ hạ muốn xem, mấy ngày nữa thần thiếp sai Thôi Hạ đưa bọn họ vào cung nhé?” Tôi lập tức đề nghị.

“Không cần phiền toái.”

“Không phiền đâu ạ, cũng đã lâu thần thiếp không coi, kêu bọn họ lại đây diễn vài vở tuồng. Đến lúc đó, bệ hạ có thể đưa Tống Tu nghi tới xem, cả Vương Tài tử và Trịnh Tài tử nữa, càng đông càng vui.”

Tôi là vị Hoàng hậu khoan dung rộng lượng.

Trong hậu cung này, ngoại trừ Tống Hữu Thục, Triệu Lăng còn có hai phi tần.

Nhưng y chỉ thích Tống Hữu Thục.

Bởi vì Tống Hữu Thục là do đích thân y tuyển chọn.

Trịnh Tài tử là Hoài An Vương đưa vào cung, Vương Tài tử từng là ca cơ trong phủ Lương Vương.

Hai người họ xuất thân thấp kém, tự biết thân phận nhạy cảm nên Triệu Lăng không thích, vì thế luôn sống cẩn thận chặt chẽ, cũng thực kính trọng nghe lời tôi.

Khi tôi dần dần hiểu rõ thế cục trong triều, tôi cảm thấy tội nghiệp Triệu Lăng.

Một Hoàng đế chịu người khống chế giống như bị nhốt cả đời trong lồ ng giam, nếu y thiệt tình thích một thứ gì đó, tôi nguyện ý thành toàn cho y.

Ngặt nỗi thương hại nam tử chỉ mang tới nỗi bất hạnh.

Triệu Lăng bắt đầu lợi dụng tôi.

Có người lẫn vào gánh hát tạp kỹ tiến cung diện thánh.

Điều này nằm trong kế hoạch của Triệu Lăng, bởi vì mỗi một cử động của y đều đặt dưới sự giám thị của Lương Vương.

Nhưng không ai sẽ hoài nghi Hoàng hậu Hồ Mẫn Dung.

Sau đó y lại lợi dụng tôi vài lần nữa, truyền tin cho những bộ hạ cũ của phủ Ấp Vương bên ngoài.

Mẫu thân nói Triệu Lăng không ngoan ngoãn, là đúng.

Nhưng họ muốn y làm một con chó, là sai.

Đại Ngụy lập quốc là do Thái Tổ Hoàng đế trên lưng ngựa giành được thiên hạ.

Triệu Lăng đăng cơ làm đế, muốn nắm quyền, đó là chuyện thiên kinh địa nghĩa.

Con đường này rất gian nan, cho nên vào những thời khắc quan trọng, bất cứ ai đều có thể trở thành con tốt thí trong tay y.

Y lợi dụng tôi nhiều lần, mỗi lần tôi đều ngoan ngoãn cắn câu, không chút dã tâm.

Cũng bởi vì thế mà y cảm thấy không đành lòng, thái độ đối với tôi trở nên tốt hơn rất nhiều.

Mùng mười tháng chín, Triệu Lăng phá lệ tới Tiêu Phòng Điện.

Y lẳng lặng dùng bữa với tôi, nghe tôi hoan thiên hỉ địa nói rất nhiều, bỗng lên tiếng: “Hoàng hậu tiến cung đã hai năm rồi nhỉ.”

“Đúng ạ, hôm nay mùng mười tháng chín, hai năm trước chính là ngày đại hôn của thần thiếp và bệ hạ. Có phải bệ hạ nên ban thưởng cho thần thiếp hay không?”

Tôi chống cằm nhìn y, vui vẻ ra mặt.

Triệu Lăng cũng nhìn tôi, ánh mắt sâu thẳm: “Có Lương Vương và hai họ Hồ Từ làm chỗ dựa, Hoàng Hậu muốn gì được nấy, đâu cần chờ trẫm mở miệng?”

“Lời này sai rồi, thần thiếp đã gả cho bệ hạ, chỗ dựa chân chính của thần thiếp chỉ có bệ hạ. Thứ thần thiếp muốn cũng chỉ bệ hạ mới có thể cho.”

“Vậy Hoàng hậu muốn gì?”

“Thần thiếp muốn xin một lọn tóc của bệ hạ.”

Tôi giải thích: “Đêm đại hôn tâm tình bệ hạ không tốt, lễ hợp cẩn chưa hoàn thành nên thần thiếp vẫn luôn canh cánh trong lòng. Hôm nay muốn xin bệ hạ một lọn tóc, không quá phận chứ ạ?”

Tôi mỉm cười nhìn y chăm chú, vẻ mặt nghịch ngợm. Rốt cuộc y cũng thả lỏng, chỉ ra: “Trẫm không phải là phu quân của nàng.”

“Nhưng chúng ta đã là phu thê, bệ hạ không có đường lui, thần thiếp cũng không có.”

Hồ Mẫn Dung ngoan ngoãn thẳng thắn, nhưng đâu phải con ngốc.

Tôi nghĩ rằng y hiểu được, mưu đồ bí mật năm lần bảy lượt thế nào cũng có sơ hở — ngày ấy Thôi nội quan muốn đích thân kiểm tra gánh hát tạp kỹ, là tôi tìm cớ vời hắn đi.

Thôi Hạ luôn là người của Lương Vương.

Triệu Lăng thông minh sắc sảo, nhất định cảm giác được điều đó, nhưng y không nói gì, chứng tỏ y vẫn không tin tưởng tôi.

Lọn tóc kia, cuối cùng cũng không cho tôi.

Tôi là con gái nhà họ Hồ, nhưng trên thực tế, tôi lẻ loi một mình.

Từ nhỏ mẫu thân dạy tôi hiếu đễ lễ nghĩa, biến trung thành hiếu, dần dần bên tai tôi chỉ còn duy nhất lời dặn dò được lặp đi lặp lại: Phải ngoan ngoãn nghe lời gia tộc, nghe lời phụ thân.

Lễ nghĩa liêm sỉ của thế gia đại tộc, đó là đưa tôi vào cung, làm một quân cờ dễ dàng bị điều khiển.

Bọn họ yêu tôi, cho nên ý nguyện của tôi chả bao giờ quan trọng, phu quân của tôi là ai cũng chẳng quan trọng.

Vào đêm tôi mười lăm tuổi làm xong lễ cập kê, Lương Vương Triệu Thôi xuất hiện ở Tiêu Phòng Điện, phát hiện tôi vẫn là thân hoàn bích, ánh mắt kinh hỉ và ngang ngược in đậm trong ký ức tôi.

Trong nỗi kinh hoảng tột đỉnh, tuy tôi dùng trâm đâm lão bị thương, nhưng rốt cuộc vẫn không đủ sức phản kháng.

Thôi nội quan vốn là người của lão, đám người nhũ mẫu canh giữ trong điện đều run bần bật, không ai dám hé răng.

Sau đó, tôi tắm rửa thật sạch, kỳ cọ đến mức cả người đỏ ửng.

Mẫu thân nghe tin chạy tới ngay, thế nhưng vừa mở miệng là trách cứ tôi không nên đâm Lương Vương, bởi vì phụ thân sắp đảm nhiệm chức Tể tướng.

Khoảng khắc ấy, rốt cuộc tôi chợt hiểu rõ, hóa ra bà đã biết rồi.

Yêu tôi à?

Đại khái cũng có yêu.

Người mẹ đã nuôi nấng cưng chiều tôi, nâng niu tôi trong lòng bàn tay từ nhỏ, cuối cùng cũng biết đau lòng ôm tôi vào ngực, an ủi: “Không có lần sau đâu. Phụ thân con sẽ làm Tể tướng, sẽ là một quyền thần; còn có cữu cữu con cai quản phòng vệ trong cung, ngày mai kêu cữu cữu con phái nhân thủ lại đây. Sau này lão khốn nạn kia sẽ cố kỵ chúng ta.”

Họ biết hết, hóa ra bọn họ đều biết cả rồi!

Bên dưới thể diện của thế gia đại tộc và quyền lực tối cao vô thượng là những mụn ghẻ loang lổ, lở loét chảy mủ.

Bọn họ lôi tôi ra bán.

Nhưng cũng may bán được giá rất cao.

Và quả thực theo như lời mẫu thân, sau này Lương Vương không bao giờ đến nữa.

Đoạn thơ trên là hai câu cuối trong bài Thủy điệu ca đầu, do Tô Đông Pha viết khi đến đình Khoái Tai ở Hàng Châu để tặng Trương Ác Thuyên.