Lần trước đó hãm hại Du quý nhân không thành, vị kia bên Trữ Tú Cung thật sự không thể thu tay một thời gian.
Mấy ngày này thế mà đã truyền ra chút động tĩnh.
Nguyên nhân là bởi phụ thân của Cao Quý Phi, Văn Uyên Các Đại Học sĩ, kiêm Tổng đốc Giang Nam chuyên trách trị thủy Cao Bân tiến cung yết kiến, muốn tới thăm nữ nhi đang là Quý Phi này.
Mới đầu Cao Giai thị chẳng qua cũng chỉ là tầng lớp nô tài xuất thân Nội Vụ Phủ Bao y mà thôi.
Nhưng Cao Bân này đối với việc trị thủy lại có chút tài năng, dưới thời Hoàng Đế Ung Chính lập được công lớn, trị được nạn lũ lụt ở Giang Nam.
Từ đây một đường mau chóng thăng quan tấn tước.
Câu nói "một người làm quan, cả họ được nhờ" lúc này lại càng thêm chính xác.
Cao Giai thị của hắn cũng nhận được ân điển của Thánh thượng, nâng nhập Thượng Tam Kỳ Hán Quân Tương Hoàng Kỳ, càng ngày càng hưng thịnh.
(*) Mình sẽ chú thích chi tiết ở cuối bài, mọi người có thể kéo xuống đọc trước để hiểu liền mạch hơn.
Mà Cao Quý Phi cũng được hưởng ích lợi từ chuyện này.
Từ một thị thiếp được nâng lên thành Trắc Phúc tấn, một đường vào cung sau được phong thành Quý Phi.
Trong cung lắm người nhiều miệng, lén lút bàn luận sau lưng, nói Cao Quý Phi có được như ngày hôm nay, còn không phải là dựa vào vị phụ thân uy quyền không ai dám động vào này hay sao?
Lúc này đây, Cao Bân cùng phu nhân của hắn dẫn theo đoàn người phong trần mệt mỏi đi tới Trữ Tú Cung.
Vị phu nhân này của Cao Bân vốn xuất quân thanh quan.
Sau gặp được Cao Bân, hai người tựa như thiên lôi câu động địa hỏa(1), vừa quen đã quấn lấy nhau.
Nam nhân ấy mà, khó tránh khỏi muốn diễn lại một màn "Triệu Phán Nhi phong nguyệt cứu phong trần"(2).
Chỉ là không ai ngờ đến Cao Bân thế mà lại to gan, dám đem nữ nhân này cưới hỏi đàng hoàng, đường đường chính chính nghênh kiệu rước vào phủ.
(1) 天雷勾地火 Thiên lôi câu động địa hỏa: nghĩa đen là sét trời dẫn động lửa đất.
Nghĩa bong là để ám chỉ trạng thái kích tình nóng bỏng giữa đôi tinh nhân.
Nôm na gọi là tình yêu sét đánh ấy.
(2) Bản gốc chỉ nhắc đến "Cứu phong trần", mình có tìm hiểu thì nguyên văn phỉa là "Triệu Phán Nhi phong nguyệt cứu phong trần".
Đây là một điển tích cổ của Trung Quốc, tác giả là Quan Hán Khanh.
Ở đây ta có thể hiểu là đàn ông ai cũng có ham muốn được làm anh hùng cứu mỹ nhân, muốn được chuộc thân cứu người đẹp.
Cao Quý Phi từ nhỏ đã chứng kiến mẫu thân vì chuyện này mà đau lòng tích thành tâm bệnh, vậy nên đối với đám người một nhà này, nàng sao có thể thân cận được.
Vị di nương này cũng là sau khi mẫu thân Cao Quý Phi tạ thế mới được nâng lên làm chính thê, nhập phủ xong liền sinh cho Cao Bân một nhi tử, tự là Cao Hằng.
Sau lại sinh thêm một nữ nhi dung mạo so ra chẳng kém gì Cao Quý Phi.
Cùng tiến cung ngày hôm nay, chính là vị muội muội đã đến tuổi cập kê Cao Quỳnh kia.
Lần đầu vào cung, tuy tuổi còn nhỏ nhưng trên đầu nàng đã điểm biết bao nhiêu là châu la ngọc thúy.
Lại nhìn sang phu nhân của Cao Bân, trên người cũng đeo đầy vàng lẫn bạc, dường như rất sợ bị người trong cung coi thường.
Ba người đi đến sảnh chính, Cao Quý Phi mới vừa nghỉ ngơi, giờ mới tỉnh, xuyên một kiện thường phục, mặt vương chút ngái ngủ thưởng trà.
"Vi thần bái kiến Quý Phi nương nương."
"Dân phụ bái kiến Quý Phi nương nương."
"Dân nữ bái kiến Quý Phi nương nương."
Ba người chỉnh tề thỉnh an Cao Quý Phi, quỳ gối dưới sàn.
Cao Quý Phi khẽ cong hộ giáp(*), thổi lá trà trong ly sứ, không hề để để tâm.
Khóe miệng tuy đã dần hiện ra nụ cười, nhưng cũng không có ý định hô miễn lễ.
(*) Hộ giáp được chế ra với mục đích ban đầu đơn thuần là để bảo vệ phần móng tay dài.
Dù vậy, cả móng tay tự nhiên lẫn thứ phụ kiện bảo vệ này đều rất vướng víu, gây khó khăn khi làm việc.
Vì thế, chỉ có người xuất thân cao quý, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới "nuôi" móng tay dài và dùng hộ giáp.
Không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam nhân cũng có thể dùng loại phục sức này.
Lâu dần thành quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vể đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ (vì họ ở khuê phòng, ít ra ngoài, ít phải động tay chân nên dễ "nuôi" móng tay hơn.)
Cao Bân cùng Cao phu nhân quỳ trên mặt đấy nhìn nhau, trong lòng đều phát hỏa.
Nhi nữ này của hắn thật sự không chừa lại cho hắn chút thể diện nào, nàng đây chẳng khác nào đang giở trò trước mặt đám nô tài Trữ Tú Cung, quát vào mặt hai người bọn họ chứ.
Một lát sau, Cao Quý Phi khẽ nhấp một ngụm lục trà, rồi mới làm ra vẻ vừa để ý thấy, kéo dài âm điệu nói với thân phụ(*) đang quỳ gối trước mặt, "Phụ thân miễn lễ."
(*) Thân phụ ở đây là cha ruột, cũng như thân mẫu là mẹ ruột.
Cao thị xuất thân là Hán Quân (người Hán) sau nhờ lập được công lớn nên mới được nâng kỳ tịch, ban thêm chữ Giai để cho gần giống với họ của người Mãn Châu ấy.
Vậy nên ở đây sẽ gọi theo xưng hô của người Hán.
Mấy cái này tác giả không đề cập tới đâu, vì ở bển ai cũng biết rồi, giờ tui ngồi edit lại lọ mọ tra cứu đủ chỗ, nhưng mà đọc cũng có nhiều cái thú vị lắm á.
Vị phu nhân cùng muội muội kia không nghe thấy sự cho phép của nàng, chỉ có thể tiếp tục quỳ dưới đất, không dám tự tiện đứng lên.
Cao Bân nhìn về phía đại nhi nữ nhà mình, trong ánh mắt đã chất đầy bất mãn.
Cao Quý Phi cười cười, rồi mới thủng thẳng nói tiếp, "Di nương cùng muội muội miễn lễ.
Người tới, ban ghế."
Một tiếng "Di nương" này thiếu chút nữa đã chọc giận Cao phu nhân, nhưng nàng cũng không thể phát tác ra mặt, chỉ đành siết lấy khăn tay, âm thầm phát lực.
Nguyên nhân Cao Bân lần này vào cung, đơn giản chỉ có hai điều.
Một là, mấy ngày vừa rồi, trong triều có người dâng sớ buộc tội Cao Hằng, nhi tử độc nhất của Cao Bân.
Tố cái y tham ô công quỹ cứu tế.
Chuyện này tuy là vẫn chưa có chứng cứ xác thực, nhưng cũng gây ra ảnh hưởng bất lợi không tránh được tới Cao gia.
Chuyện chỉ có thể trông cậy Cao Quý Phi ở trong cung, thổi gió bên gối với Càn Long Hoàng Đế, đem việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không.
Còn một nguyên nhân nữa, đó chính là hắn muốn tới thương lượng, năm sau đưa muội muội Cao Quỳnh của nàng nhập cung tranh tuyển tú.
Cao Quỳnh năm nay đã sắp qua mười sáu, sang đến năm sau vào cung có thể gọi là đúng độ hoa nở.
Chủ yếu cũng là do Cao Bân thấy đại nhi nữ ngày càng vinh sủng sinh kiêu, cũng không muốn qua lại thân cận nương gia(*), nên hắn mới nghĩ đến cái hạ sách này, một lòng muốn trù tính cho tương lai.
Nhi tử độc nhất của hắn, Cao Hằng, là một bao cỏ vô dụng, chỉ biết ăn chơi trác táng, y không gây thêm họa cho hắn là đã phúc đức lắm rồi.
Nhưng mấy nữ nhi của Cao Bân hắn, đều động dạng mỹ mạo âm nhu, quả thực có vài tư sắc.
(*) Nương gia: nhà mẹ đẻ/nhà ngoại.
Thời cổ đại, nữ nhân sau khi xuất giá thường không qua lại nhiều với nhà mẹ đẻ, nhưng với nhà quyền quý quan lại thì khác.
Nhất là hậu cung phi tần sẽ thiên vị nhà mẹ đẻ mình, củng cố quyền lực của gia tộc, cũng đồng nghĩa với việc củng cố địa vị của bản thân.
Nghĩ đến đây, Cao Bân xưa nay đa mưu túc trí trong ánh mắt đã dần lộ ra tia giảo hoạt.
"Để muội tiến cung như vậy, quả nhiên là đã tính toán kỹ lưỡng rồi mà," Cao Quý Phi đứng dậy, nhẹ liếc Cao Quỳnh phía kia một cái, tiến lên giơ tay vỗ vỗ khuôn mặt xuân sắc mỹ mạo, hộ giáp nhòn nhọn chọc trên gò má nàng, có điểm ngứa ngáy, "Chớp mắt cũng đã đến thì(*) rồi, không thể chậm trễ mới phải."
(*) thì ở đây là thời điểm cũng có thể hiểu là dậy thì, câu con gái đến thì tức là đã đến lúc bàn chuyện gả chồng.
"Người đâu, mang bộ trang sức bổn cung mới cho người chế tác ra đây, tặng cho muội muội của ta." Một chiếc hộp gấm tinh xảo dọa người nhanh chóng được đưa đến.
Cao Quỳnh bên này vừa thấy đã lộ rõ vẻ mặt vui mừng, vội vã vươn tay tiếp nhận.
Ba người hoan thiên hỉ địa lập tức tạ ân, lưu lại không lâu, lát sau đã đứng lên cáo từ.
(*) Hoan thiên hỉ địa: vui quên trời quên đất.
Trên đường ngồi xe ngựa hồi phủ, Cao phu nhân cùng Cao Quỳnh gấp gáp không đợi được đã đem hộp gấm mở ra, muốn nhìn xem bảo bối dùng trong cung rốt cuộc là cái dạng gì.
Ai ngờ, vừa mới mở ra, đập vào mắt lại là một đôi giày vải cũ nát bất kham, đã thế lại còn bốc sực lên một luồng khí tanh tưởi.
Cao phu nhân sợ tới tay chân run rẩy, không đỡ nổi vật trong tay.
Hộp gấm lăn xuống sàn xe, đôi giày rách nát hôi hám cũng vì vậy mà rơi ra ngoài.
Bà ta nhịn không được, ròng ròng nước mắt nhìn sang lão gia nhà mình, "Lão gia, Quý Phi nàng đây là muốn..." Lời còn chưa nói xong đã bụm mặt khóc nức lên.
Đây rõ ràng là đang chỉ thẳng vào mặt bọn họ mà mắng, mắng bọn họ là một đôi giày rách gian phu dâm phụ a!
Cao Bân tức nghẹn một ngụm khí độc, giỏi thay cái thứ đại nghịch bất đạo, cư nhiên dám khi dễ trên đầu lão tử.
Giờ phút này Cao Quý Phi ôm Tuyết Cầu nằm trên trường kỷ trong tẩm cung, hiếm thấy mà thoải mái cười to.
Biện pháp này vẫn là do thủ hạ Ngọc Trúc thay nàng nghĩ ra.
Tới Nội Vụ Phủ tìm một lão nô tài xấu xí, lấy một đôi giày hỏng nhét vào trong hộp gấm.
Nếu có thể khiến bọn họ tức đến đoạn khí thì càng tốt.
Dùng tay vuốt ve bộ lông của Tuyết Cầu, nàng thầm nghĩ, Cao Bân ơi Cao Bân, lúc trước ngươi xuất thân thấp hèn, mẫu thân ta đối với ngươi không rời không bỏ.
Khi toàn gia phải di dời tránh lũ lụt, nàng lại đi theo ngươi làm tuỳ tùng, thay ngươi lo liệu trong ngoài từng chuyện lớn lẫn chuyện nhỏ.
Chuốc lấy một thân bệnh tật, cuối cùng lâm phải trọng bệnh.
Thế nhưng ngươi lúc đó lại vội vàng đau lòng thay tân di nương đang nón nghén kia.
Cho tới tận giờ phút lâm chung của mẫu thân, ngươi cũng chẳng từng để mắt xem qua nàng dù chỉ một lần.
Cho dù ta sau này thân đoạ mười tám tầng địa ngục, cũng nhất quyết phải kéo một nhà các ngươi xuống làm đệm lưng.
Ngón tay nàng không nhịn được siết chặt lại, Tuyết Cầu trong lòng nàng bị véo đến tê rần, vội nhảy xuống trường kỷ.
Lại nói Trường Xuân Cung bên này, đều đang tất bật thu thập đồ đạc, chuẩn bị xa giá rời cung.
Này là vì rằm sắp tới rồi, đây cũng là ngày giỗ của tiểu A ca Vĩnh Liễn.
Mỗi năm vào ngày nàng, Phú Sát Hoàng Hậu đều muốn xuất cung di giá đến miếu tự thờ phụng tiểu A ca, tiếc thương tưởng niệm, năm nay cũng không ngoại lệ.
Nhĩ Tình một bên thu thập đồ dùng tuỳ thân của Hoàng Hậu nương nương, trong lòng lại có một nỗi khó chịu không thể nói ra.
Hoàng Hậu nương nương khi ở cữ, thân mình vốn không được dưỡng cho tốt, về sau tiểu A ca Vĩnh Liễn mới tám tuổi đã bất hạnh chết yểu.
Điều này như một nhát dao đâm thấu tâm can Phú Sát Hoàng Hậu.
Sự tình cho dù đã qua đi hồi lâu, nhưng mỗi khi tới thời điểm này, bệnh cũ của nương nương đều sẽ tái phát.
Nói cho cùng, đây cũng là do khúc mắc trong lòng không thể cởi bỏ mà thôi.
Nơi đến là chùa Phổ Thắng, lộ trình xuất phát từ cung thành cũng không quá xa.
Chỉ là khi nương nương đau lòng quá độ, đều sẽ ở lại trong chùa một đêm.
Hoàng Thượng cùng Thái Hậu đều thông cảm với nỗi đau mất con của nương nương, đối với chuyện này cũng coi như ngầm cho phép.
Ngồi trên xe ngựa rời cung, đều có Minh Ngọc và Nhĩ Tình hầu hạ bên người Hoàng Hậu.
Chỉ là lần này có nhiều thêm một người, chính là Nguỵ Anh Lạc.
Sau tranh chấp ngày hôm trước, Nhĩ Tình và nàng xem như đã xé rách da mặt, cùng ngồi chung xe ngựa nhưng nhìn nhau cũng chẳng nói năng gì, càng không để ý đến đối phương.
Phú Sát Hoàng Hậu chỉ cúi đầu trầm mặc, tay lần chuỗi tràng hạt, không biết đang tâm sự chuyện gì.
Nhĩ Tình ở bên cạnh nhìn sang, hẳn là bi thống trong lòng nương nương vẫn vô pháp khuyên giải.
"Hoàng Hậu nương nương, nô tỳ nghe cung nhân kể lại, trong chùa Phổ Thắng có cây đa đại thụ mọc che trời, đã hơn trăm năm tuổi.
Nếu người thành tâm đem kết bội treo trên nhánh cây, là có thể cầu được ước thấy.
Nô tỳ hôm qua ở trong cung nghe vậy liền làm một cái, muốn dâng cho nương nương." Nói xong Nguỵ Anh Lạc lục lọi trong tay nải tuỳ thân, muốn lấy vật gì đó ra, lại không cẩn thận chạm vào cái bọc đã đánh tráo, để lộ ra một bộ y phục mùa đông cho tiểu hài tử.
"Đây là thứ gì?" Phú Sát Dung Âm ngơ ngẩn xuất thần nhìn bao vải kia, mở miệng hỏi.
"Nô tỳ tội đáng muôn chết," Nguỵ Anh Lạc vội vàng đứng dậy quỳ sụp trước mặt Phú Sát Dung Âm, "Đây là...!Nô tỳ hình dung vóc người của tiểu A ca, trộm làm ra một bộ y phục mùa đông, muốn mang vào chùa hoá, coi như là hiếu kính với tiểu A ca..."
Phú Sát Dung Âm vừa nghe nàng nói như vậy, nhặt tiểu y phục dưới đất lên, đôi tay run rẩy lật ra xem.
Nhất thời đau đớn khó lý giải như sóng lớn cuộn trào trong lòng, chóp mũi chua xót, ôm lấy kiện y phục kia, bắt đầu lặng lẽ rơi lệ.
Giây phút này Nhĩ Tình hận ả đến ứa gan, Nguỵ Anh Lạc tuyệt đối là cố ý.
Nhưng tạm thời nàng chưa cách nào vạch trần, chỉ có thể một bên an ủi Phú Sát Hoàng Hậu đang thương tâm quá độ, một bên siết chặt ngón tay, như thể muốn bóp chết tiện nhân kia ngay tức khắc.
Tới khi xuống khỏi mã xa, Phú Sát Dung Âm đã sớm khóc đến hôn mê, trước tiên đành phải an bài sương phòng tạm thời nghỉ ngơi đã.
Chờ đến lúc lo liệu xong mọi sự, ra khỏi sương phòng, Nhĩ Tình đưa người chặn Nguỵ Anh Lạc lại, một phen túm lấy tay áo của nàng, nửa lôi nửa kéo tới bên khu đất trống dưới gốc cây đa kia.
"Buông ta ra!" Nguỵ Anh Lạc thoát khỏi tay Nhĩ Tình, kêu gào, "Ngươi đang làm trò gì vậy?"
Nhĩ Tình quăng một bạt tai, hung hăng tát lên mặt Nguỵ Anh Lạc, "Cái tát này là để dạy ngươi biết thế nào là cẩn ngôn thận hành(*)," không chút sợ hãi chống lại ánh mắt kinh ngạc của Nguỵ Anh Lạc, "Ngươi nếu như có điều gì bất mãn với ta, muốn dùng chiêu kế nham hiểm gì cũng được, ta đều không quan tâm.
Nhưng nếu như trong lòng ngươi tồn tại bất cứ mưu đồ bất chính nào với nương nương, Qua Nhĩ Giai Nhĩ Tình ta đảm bảo rằng, tiếp theo sẽ có trăm ngàn loại biện pháp chờ đợi ngươi!"
(*) Cẩn ngôn thận hành: nói năng cẩn thận, đúng mực, hành sự phải cẩn trọng, chu toàn.
Nguỵ Anh Lạc lộ ra oán hận ngoan độc trong mắt, giơ tay định ném trả cho Nhĩ Tình một cái tát.
Lại bị nàng dùng sức chế trụ động tác, tay còn lại hung hăng vả tiếp bên mặt còn lại của Nguỵ Anh Lạc, "Cái tát là để cho ngươi nhớ kỹ, nếu sau này còn phát sinh chuyện như hôm nay, nếu Hoàng Hậu nương nương vì thế mà phụng thể bất an, dù ta có không được chết già, cũng phải lấy cái mệnh tiện này của ngươi!"
Nguỵ Anh Lạc vô duyên vô cớ bị ăn hai cái tát, căm hận đến nỗi cắn chặt môi dưới đến xuất huyết.
Nhìn thấy Nhĩ Tình thì càng tức đến nóng cả đầu, nhưng nếu tiếp tục dây dưa tại đây đối với nàng sẽ không có lợi, chỉ đành ném một ánh mắt oán hận cho Nhĩ Tình, rồi xoay người bỏ chạy.
***
Bổ sung con gif Nhĩ Tình tát Nguỵ Anh Lạc trong phim cho quý dị coi nè =)))))))
(*) Chế độ Bát Kỳ về mặt quân sự là 8 cánh quân, về mặt dân sự là 8 nhóm bộ tộc, phân biệt bởi cờ hiệu chỉ huy, vì vậy còn được gọi theo âm Hán Việt là Bát Kỳ, mỗi Kỳ có một màu chủ đạo riêng biệt.
Đây là một hình thức quân đội dân tộc, là sự hợp nhất giữa binh và nông.
Đại Hãn là người thống trị tối cao của toàn Bát Kỳ cả về quân sự lẫn dân sự.
Lúc ban đầu thành lập Bát Kỳ, tên Kỳ không phân theo các dân tộc.
Khi Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực lên ngôi thì một thời gian sau, vào năm 1629, bắt đầu có ghi lại Mông Cổ Nhị Kỳ.
Năm 1635, sau khi Hậu Kim chinh phục được bộ lạc Sát Cáp Nhĩ đã tiến hành một lần chỉnh biên, tổ kiến quy mô lớn đối với các nam đinh Mông Cổ (các Mông Cổ Ngưu Lộc được phân chia lại thuộc về Bát Kỳ).
Hán Quân Kỳ lại có nguồn gốc từ số hàng quân hoặc dân thường người Hán đầu hàng hoặc thu nhận được khi quân Thanh đánh vào vùng Liêu Thẩm.
Ở những năm Thiên Mệnh Hậu kỳ ( Nỗ Nhĩ Cáp Xích được gọi là Thiên Mệnh Khả Hãn), họ bị dùng hình thức là nô bộc ( người hầu, nô lệ) phân phối cho các vị Bối Lặc, đại thần...!
Mãn Châu, Mông Cổ, Hán Quân đều cùng chịu sự quản lý của một Kỳ Chủ.
Bởi vì có ba bộ phận này nên một số tư liệu lịch sử đã sai lầm đem Bát Quân Kỳ hiểu thành Nhị Thập Tứ Kỳ.
(24 Kỳ - mỗi Quân đều có Bát Kỳ= sai).
Thực tế Mãn Châu Bát Kỳ, Mông Cổ Bát Kỳ, Hán Quân Bát Kỳ phải được gọi chính xác là Bát Kỳ Mãn Châu, Bát Kỳ Mông Cổ và Bát Kỳ Hán Quân, họ là các bộ phận của mỗi Kỳ do dân tộc khác nhau gia nhập mà tạo thành.
Người Hán chủ yếu lệ thuộc vào Bát Kỳ Hán Quân, một bộ phận thuộc Bao y, do Nội Vụ Phủ Tá Lĩnh quản lý.
Số khác lại phân làm người Bát Kỳ dưới các Bát Kỳ Mãn Châu khác.
Người Mông Cổ chủ yếu thuộc vào Bát Kỳ Mông Cổ, một số ít thuộc các Bát Kì Mãn Châu khác.
Một bộ phận cực nhỏ từng làm quan dưới thời Minh thì thuộc về Bát Kỳ Hán Quân.
Người Triều Tiên chủ yếu thuộc vào Tá Lĩnh của Bát Kỳ Mãn Châu, còn lại đại đa số thuộc Bao y do Nội Vụ Phủ Cao Ly Tá Lĩnh quản lý.
Người Tác luân, Xi- bô (Tiên Bi)...!chủ yếu bị sắp xếp vào Bát Kỳ Mãn Châu.
Người Hồi có nguồn gốc chủ yếu từ trong năm Càn Long tới Bắc Kinh cư trú.
( A Lý Hòa Trác và cấp dưới- dòng tộc của Dung Phi (Hương Phi) của Càn Long).
Người Albani thì nguồn gốc tại số người Nga từ các năm Thuận Trị- Khang Hy quy phục triều Thanh.
Triều đình nhà Thanh đem họ gộp vào Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ ( Tá Lĩnh thứ 17- Tham Lĩnh thứ 4).
Nếu phân chia người Bát Kỳ theo giai tầng xã hội thì sẽ có 3 loại: Ngoại Bát Kỳ, Nội Bát Kỳ và gia nô dưới các Kỳ ( Kỳ hạ gia nô).
Ngoại Bát Kỳ:
Thành phần: Các Kỳ dân dưới sự quản lý của Tá Lĩnh, chủ yếu là tầng lớp dân tự do trước khi nhập quan.
Bao gồm cả hậu duệ quý tộc, thế gia nhà giàu, con em của người Bát Kỳ..
Tuy có nhiều cấp bậc nhưng đều thuộc tầng lớp này.
Đây coi như tầng lớp chiếm vai trò chủ đạo về địa vị xã hội.
Nội Bát Kỳ - Bao Y.
Bao y gọi đầy đủ là người Bao y, là một quần thể nô bộc, tráng đinh ở các trang viên - điền trang của Hoàng đế, tôn thất, vương công.
Bao y không những để chỉ một cá nhân mà còn để chỉ cả một dòng tộc và ổn định qua nhiều thế hệ.
Quan hệ của họ với giai cấp thống trị khá phức tạp, có thể là thông qua hôn nhân, họ hàng xa...!để tạo thành mối liên kết bền vững.
Điều này khiến cho bọn họ trở thành người được tin cậy nhất, trung thành nhất; vừa là gia thần, gia phó vừa là trợ thủ đắc lực, thậm chí là bằng hữu, lực lượng chính trị cần lung lạc, mời chào của chủ nhân.
(trường hợp của Niên Canh Nghiêu và Hoàng đế Ung Chính).
Từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, khi thế lực và các cuộc hôn nhân chính trị của dòng tộc Ái Tân Giác La liên tục mở rộng, thì Bao Y cũng được mở rộng thêm rất nhiều thành phần: từ các thành phần phía trước nay thêm vào cả tù binh chiến tranh, người phạm tội bị đày, nô bộc ký khế ước...!Từ đó về sau, bọn họ lấy thân phận nô bộc của tầng lớp thống trị trong xã hội để tồn tại và phát triển.
Bao Y chia làm 3 loại lớn: Tá Lĩnh Hạ Nhân, Quản Lĩnh Hạ Nhân, Trang Đầu.
Họ chủ yếu đảm nhiệm các công việc như hộ vệ trong vương phủ, người hầu hạ, tùy thân theo hầu, quản lý điền trang, canh gác - bảo vệ lăng tẩm...rất nhiều loại.
Nói chung, Bao Y là người phục vụ của chủ nhân, chuyên quản lý việc nhà, dùng để sai phái, theo hầu hạ bên người chủ nhân cho nên mới gọi là "Nội Bát Kỳ".
Ngoại Bát Kỳ có ý nghĩa về mặt quản lý quân sự hơn so với Nội Bát Kỳ mặc dù Bao Y cũng có thể hưởng ứng lệnh triệu tập tham gia chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.
Bao y trực thuộc với Thượng Tam Kỳ của Hoàng đế gọi là "thuộc Nội Vụ Phủ", còn được gọi là Nội Tam Kỳ Bao y.
Bao y mà lệ thuộc vào Vương Công, Kỳ Chủ của Hạ Ngũ Kỳ thì gọi là "thuộc Vương Công phủ ".
Vì vậy, nếu nói tuyển tú nữ thì sẽ có hai loại:
Một là Đại Tuyển để tuyển chọn vợ và thiếp thất cho hoàng đế, tôn thất, nguồn là các thiếu nữ có độ tuổi từ 13-16 thuộc Bát kỳ ( con gái Bát Kỳ chưa qua tuyển tú thì chưa được kết hôn).
Hai là Tiểu Tuyển để tuyển chọn cung nữ vào cung hoặc các vương phủ hầu hạ Hoàng đế và tôn thất.
Nguồn chính là các thiếu nữ đúng độ tuổi thuộc các Bao y gia tộc trong Bát Kỳ mà Nội Vụ Phủ Tá Lĩnh quản lý.
(Lưu ý: Không lấy tú nữ ngoài Bát Kỳ).
Tóm lại, Bao y cũng không phải tiện dân, thân phận nô bộc của họ cũng chỉ có ý nghĩa với hoàng thất hoặc vương công mà thôi.
Địa vị xã hội của Bao y cũng cơ bản giống như người Bát Kỳ bình thường.
Bọn họ cũng có thể có gia sản, nô tỳ hầu hạ, phẩm cấp quan lại...!
Còn về gia nô dưới các Kỳ ( Kỳ hạ gia nô) thì họ là gia phó của quan lại cùng một bộ phận người Bát Kỳ giàu có.
Bọn họ không có hộ tịch độc lập, lệ thuộc dưới danh nghĩa nhà chủ nhân giống như một loại tài sản ( đại để giống như trâu, bò, dê, ngựa) cho nên bị gọi là "Hộ hạ nhân" hoặc "Bát Kỳ hộ gia nhân".
29.7.2020.
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.