Còn Ra Thể Thống Gì - Thất Anh Tuấn

Chương 70: Ngoại truyện VI



NGOẠI TRUYỆN VI

Tiểu sử Lý Vân Tích

Dịch: Hanyu

Lý Vân Tích từ nhỏ đã không ưa hoàng đế. Thuở bé, gia đình hắn vô cùng nghèo khó, năm đó mất mùa, cả nhà hắn khốn khó đến mức không còn gì để ăn, hai đứa em sinh đôi vừa chào đời, còn đỏ hòn của hắn đã bị cha mẹ bỏ đói mà chết. Khi đó, hắn chỉ có hai con đường để chọn lựa: học hành hoặc khởi nghĩa.

Lý Vân Tích chọn con đường học hành vì thầy đồ trong làng nói hắn là thiên tài, sau này mười dặm quanh vùng đều sẽ nhờ hắn về trả ơn.

Ban ngày hắn xuống ruộng phụ giúp cha mẹ, tối đến thắp đèn học đến tận khuya. Người khác mười lăm tuổi đã đi thi cử, hắn phải đến hai mươi lăm tuổi, nhưng suốt mười năm vẫn không đỗ đạt. Đến ba mươi lăm tuổi, hắn cảm thấy đọc sách không cứu được dân Đại Hạ.

Khi đó, hoàng đế đối với hắn chỉ là một cái bóng xa xăm, một biểu tượng của thù hận, một con bù nhìn vô cảm.

Hắn muốn đập tan trời xanh, nhưng năm nào bảng vàng cũng dán ra, từ đầu đến cuối đều là người có quan hệ. Nói rằng khoa cử là thang lên trời, ai ngờ thang này càng ngày càng cao, con nhà nghèo làm sao lại dám với tới trời?

Một ngày, hắn được gặp hoàng đế.

Chuyện xảy ra rất bất ngờ. Hắn nhớ mình đang ở trên thuyền xúi giục vài thí sinh cùng thời khởi nghĩa, người đối diện đột nhiên nói: "Họ Hạ Hầu."

Hắn còn tưởng Đoan Vương ngầm tới chiêu mộ nhân tài. Kết quả đối phương lại nói: "Tên một chữ là Đạm."

Khi đó Lý Vân Tích thật sự muốn nổi điên mà liều mạng với hắn, một sống một còn.

Nhưng Lý Vân Tích không làm vậy. Vì hắn còn nhớ đến thầy đồ trong làng đã yên nghỉ dưới mộ, còn nhớ đến mười dặm quanh vùng mà thầy luôn nhắc nhở.

Ngày hôm đó, hoàng đế nói rất nhiều, kể lể nhiều nỗi khổ, bày tỏ nhiều hoài bão, còn nói đến kế hoạch đưa họ vào triều đình ẩn náu. Lý Vân Tích không tin một lời.

Ngược lại, câu nói của yêu phi bên cạnh hoàng đế lại khiến hắn để tâm. Câu nói đó là: "Cứ coi như là vì quê hương mà tính toán."

Lý Vân Tích vào triều nhưng vẫn không ưa hoàng đế.

Hắn làm việc ở Hộ Bộ, phát hiện sổ sách các địa phương gửi về chất đống lộn xộn, phủ đầy bụi. Những năm qua, cái gọi là một hộ một điền đã thành trò cười, ruộng đất của nông dân bị hào môn chiếm đoạt, từ quan lại địa phương trở lên đều vơ vét, không ai dám quản.

Hắn không ngủ không nghỉ mà điều tra, quyết tâm lập lại sổ sách mới cho các châu huyện, đấu tranh đến cùng. Ai cản trở thì kẻ đó có vấn đề, hắn sẽ lật tung cả triều đình lên.

Kết quả người đầu tiên cản trở hắn lại chính là hoàng đế.

Hoàng đế nói: "Sổ sách cứ làm xong thì đưa cho trẫm, bây giờ chưa phải lúc, trẫm sẽ giữ giúp ngươi."

Lý Vân Tích giữa tin và không tin nhảy qua nhảy lại cả một năm trời. Cho đến khi hoàng đế thực sự tiêu diệt được Thái hậu, lật đổ được Đoan Vương, chỉnh đốn triều đình và bắt đầu cải cách và áp dụng hàng loạt chính sách mới. Và sổ sách của Lý Vân Tích cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng.

Ngày đó sau khi tan triều, Lý Vân Tích uống say rồi thắp hương cho thầy đồ.

Lý Vân Tích nhớ ơn quê hương, nghĩa đồng nghiệp, thậm chí ghi nhận sự tốt đẹp của hoàng hậu, nhưng vẫn không thích hoàng đế.

Hoàng đế còn trẻ, còn non nớt. Giá như hắn trưởng thành sớm hơn, dân chúng đã không phải chịu cảnh lầm than nhiều năm như vậy.

Hơn nữa, hiện tại dù quyền lực trong tay, nhưng ai dám đảm bảo hắn không thể mắc sai lầm. Lý Vân Tích đối với hắn hễ thấy là bực mình, ghét không chịu nổi, ngày nào cũng muốn dâng sớ khuyên ngăn.

Hạ Hầu Đạm đôi khi cũng bực mình mà nổi nóng, ném sớ vào mặt hắn.

Lý Vân Tích càng hăng.

Lý Vân Tích nói: "Giết ta đi, ngay bây giờ. Cho ta cơ hội lưu danh sử sách!"

Hạ Hầu Đạm càng bực.

Nhưng may mắn Hạ Hầu Đạm sớm tìm ra cách trả đũa hắn, đó là nhồi nhét “cơm chó” vào miệng hắn.

Lý Vân Tích khi dâng sớ thường thích nói một câu: "Hành động này khác gì hôn quân!"

Hạ Hầu Đạm nghe xong liền nằm ngửa ra: "Trẫm chính là hôn quân, ngươi mới biết sao? Còn việc gì không? Không có thì cút, hoàng hậu đang chờ trẫm về sơn móng tay."

Lý Vân Tích tức đến trợn mắt, hít một hơi sâu, đứng chân chữ bát.

Hạ Hầu Đạm cướp lời: " Còn ra thể thống gì nữa!"

Lý Vân Tích: "?"

Hôm nay Lý Vân Tích cũng không ưa hoàng đế.

Nhĩ Lam và Dương Đạc Tiệp đôi khi cũng khuyên hắn: "Hoàng thượng rõ ràng không phải hôn quân, ngươi không cần lúc nào cũng dâng sớ khuyên can, thỉnh thoảng tán dương cũng không mất mặt."

Lý Vân Tích nói: "Ta không thích hoàng đế, thế gian này phải có người không thích hoàng đế, các ngươi không biết sao?"

Sau này, ngai vàng đổi người. Lý Vân Tích vẫn không thích hoàng đế.

Nữ nhân xưng đế, còn ra thể thống gì nữa. Huống hồ nữ đế này muốn làm gì thì làm, đưa ra nhiều cải cách mạnh mẽ nhưng khó hiểu.

Lý Vân Tích nghĩ lại thời Hạ Hầu Đạm làm hoàng đế, hóa ra là bảo thủ. Hắn xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc là để cho nữ đế hôm nay có cơ sở mà làm bậy.

Lý Vân Tích lại liên tục dâng sớ khuyên can nhiều năm, cho đến khi Đại Hạ bốn bề thông suốt, xe cộ tấp nập, kinh tế thị trường hình thành, giáo dục toàn dân phổ cập đến mười dặm quanh vùng ai cũng biết chữ.

Ngày Vãn Âm truyền ngôi thoái vị, Lý Vân Tích cũng không thể dâng sớ nữa, quyết định cáo lão hồi hương.

Ngày rời kinh thành, Dữu Vãn Âm tìm hắn uống rượu,

Nàng hỏi hắn: "Ngươi thật lòng nói xem, thiên hạ thế nào?"

Lý Vân Tích đáp: "Bốn biển yên bình, nhà nhà đèn sáng."

Dữu Vãn Âm hỏi: "Vậy hoàng đế thế nào?"

Lý Vân Tích đáp: "Cúc cung tận tụy, lo lắng quốc gia."

Dữu Vãn Âm nói: "Ngươi cuối cùng cũng biết nói tiếng người."

Lý Vân Tích to gan ngẩng đầu nhìn khuôn mặt Vãn Âm đã in dấu thời gian, nói: "Dù trị vì như Nghiêu Thuấn, cũng không thể thiếu người chính trực, triều đình nhất định phải có người như vậy. Vì vậy ta không thể kính phục hoàng đế."

Hắn nói xong, dùng bàn tay già nua nâng chén uống cạn: "Nhưng ta coi hoàng hậu và tiên đế là tri kỷ."