Cố Tiểu Tây

Chương 41



Đúng vậy, cha cô không phải con một, trên có anh có chị nhưng lại không phải ruột thịt của nhau.

Tuy ông nội cô là địa chủ, nhưng lại là người si tình, cưới bà nội về thì toàn tâm toàn ý, không có thêm bất cứ ai trong hậu viện, cho dù là một tiểu thiếp cũng không có, đáng tiếc hai người ân ái nhiều năm mà vẫn không có con.

Sau này nghe người ta nói nhận nuôi trẻ con có thể được phúc báo, sẽ giúp gia đình sinh được con.

Ông nội cô đã quyết định nhận nuôi ba đứa trẻ, một trai hai gái, cũng chính là bác cả và hai cô.

Sau khi nhận nuôi không lâu thì quả nhiên bà nội cô có thai, cũng chính là cha cô.

Khi bắt đầu cải cách, bác cả và hai cô vì thấy mình không phải con ruột nên đã chạy đi khóc lóc kể lể, nói năm đó là thân bất do kỷ, sống trong nhà địa chủ với danh nghĩa là thiếu gia, tiểu thư nhưng thực tế thì phải chịu bóc lột, cuộc sống còn không bằng người hầu.

Ba người thành kẻ bị hại, thậm chí lãnh đạo địa phương còn vì đồng tình mà cấp cho họ một công việc trên thành phố.

Mà cha của cô là con trai của địa chủ nên đương nhiên phải ở lại nông thôn để lao động.

Tuy bác cả và hai cô lòng lang dạ sói nhưng dù sao cũng đã lớn lên từ nhỏ với nhau, nhiều năm qua vẫn có liên lạc, cho nên lúc trước xây nhà, không còn nhiều tiền, vì vậy mới mở miệng vay mượn của họ.

Cô cả thì khá tốt số, cưới được chồng làm chức quan to, hiện đang làm ở Ủy ban Cách Mạng huyện.

Bà ấy coi năm tháng làm tiểu thư nhà địa chủ là sự hổ thẹn, đừng nói là cha cô Cố Chí Phượng, đến cả bác cả và cô hai cũng đều rất lạnh lùng nên đương nhiên sẽ không đi vay tiền của bà.

Cố Đình Hoài cười khổ nói: “Bé à, con…”

Cố Tiểu Tây nhìn một lượt quanh nhà, giả vờ tính toán: “Nợ bao nhiêu tiền? Một trăm đồng? Lãi suất ít hay nhiều? Hai mươi? Hay ba mươi?”

Cô đương nhiên biết số tiền đó là bao nhiêu.

Lúc trước xây nhà đã tiêu khoảng hai trăm đồng, một phần là tiền họ kiếm được ở chợ đen, còn lại chính là đi vay bác cả và cô hai, mỗi người vay năm mươi nhưng lãi suất của mỗi người một năm là năm đồng, quả thật là vay nặng lãi!

Bao nhiêu năm trôi qua, bởi vì cô không biết cố gắng, nợ nần không chỉ không trả hết mà ngược lại càng ngày càng tăng.

Nếu cô không tính sai thì có lẽ con số năm nay đã lên tới một trăm bốn mươi đồng, công nhân bình thường có mức lương khoảng mười đến hai mươi đồng, cho nên con số này quả thật như ngọn núi đè lên lưng nhà họ Cố.

Cuộc sống của bác cả và cô hai từ nhỏ đã sung sướng hơn rất nhiều người rồi, thậm chí còn sướng hơn cả những nhà làm nông bình thường nữa nhưng bọn họ lại không hề biết ơn. Người không vì mình, trời tru đất diệt, tai vạ đến báo ứng từng người cũng là chuyện bình thường.

Tính cách hai người không phải kiểu ác độc, chỉ là lòng dạ tham lam thôi.

Chắc hơn một tháng nữa sẽ tới nhà đòi nợ.

Hai đứa con gái của cô cả xuống nông thôn cắm đội, có chuẩn bị tiệc chia tay ở tiệm cơm quốc doanh, mời bác cả và cô hai, hai người này vì muốn nhân cơ hội để leo lên được nhà quan chức nhà cô cả nên chuẩn bị lấy ra năm mươi đồng để đưa cho hai cô cháu gái sắp xuống nông thôn này.

Đương nhiên, thiếu nợ thì phải trả, đây là chuyện thiên kinh địa nghĩa.

Bọn họ nợ bác cả và cô hai, cho dù có là nguyên nhân gì đi nữa thì vẫn là nợ.

Dù không phải trả nợ thì cũng phải chuẩn bị đồ để đón năm mới.

Năm nay là nạn đói, cô phải chuẩn bị đồ ăn dần, không đến lúc đó trong nhà chẳng có gì mà ăn, kiếp trước chỉ biết nằm giường lười biếng, cuối cùng chỉ có thể uống nước cho đỡ đói, hết Tết, cả nhà gầy như da bọc xương.

Tết kiếp trước, cha Cố Chí Phượng đã bị ngồi tù.

Cho nên, Tết năm nay, cô không chỉ mong cả nhà được ăn no mặc ấm mà còn mong cả nhà được đoàn viên!

Chuyện Điền Tĩnh thì tạm thời gác lại đã, việc trước mắt này quan trọng hơn.

Khi nào lo xong chuyện trong nhà thật thỏa đáng, cô sẽ từ từ chăm sóc Điền Tĩnh thật tốt.